Quan tâm đến khía cạnh xã hội trong các vấn đề kinh tế và tính kinh tế trong các chính sách xã hội

Ngày 26-4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có các cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Uỷ ban Về các vấn đề xã hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Uỷ ban Về các vấn đề xã hội

Tại cuộc làm việc với Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao hoạt động của Ủy ban về các vấn đề xã hội trong các nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Thường trực Ủy ban và Vụ các vấn đề xã hội cần nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban trong các lĩnh vực như lao động, việc làm, y tế, dân số, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bình đẳng giới, thường trực nhóm nữ nghị sĩ…

“Đây là những vấn đề khó, nhạy cảm và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Vì thế, Ủy ban không chỉ quan tâm đến các vấn đề xã hội thuộc lĩnh vực phụ trách mà còn phải hết sức quan tâm đến khía cạnh xã hội trong các vấn đề kinh tế và tính kinh tế trong các chính sách xã hội. Đó chính là tính Đảng, tính chính trị trong phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, người đứng đầu Quốc hội lưu ý.
Bên cạnh đó, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cần chủ động rà soát khuôn khổ pháp lý về tổ chức, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; chủ động xây dựng đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban trên tất cả các mặt công tác lập pháp, giám sát và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, đặc biệt phải mang hơi thở của cuộc sống vào nghị trường Quốc hội, vào trong từng dự án luật.

Chiều 26-4, làm việc với Ủy ban Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, trong thành công của Quốc hội có vai trò đóng góp rất lớn của Ủy ban Pháp luật. Thời gian qua, Ủy ban đã thực hiện khối lượng công việc nhiều, hình thức đổi mới, mô hình, cách làm hay, đặc biệt có những dấu ấn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ủy ban Pháp luật đã giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với toàn bộ 24 luật đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và 10 luật được Quốc hội khóa XIV thông qua; giúp Đoàn giám sát của Quốc hội triển khai giám sát tối cao chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016”; chủ động thực hiện tốt vai trò giám sát chuyên đề việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô, tổ chức các phiên giải trình về việc thực hiện những vấn đề liên quan đến vướng mắc, bất cập áp dụng pháp luật và gây bức xúc trong xã hội, hoặc làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước…

Về các đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đề xuất trình Quốc hội ban hành một nghị quyết xác định những nguyên tắc và định hướng cơ bản về xây dựng pháp luật trong cả nhiệm kỳ “không có gì mâu thuẫn với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”; đồng thời, điều này sẽ bảo đảm tính chủ động, vai trò dẫn dắt của Quốc hội trong hoạt động lập pháp và hoàn thiện thể chế cũng như đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật, phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh để hợp sức cùng Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số dự án luật nếu thấy cần thiết.

Tin cùng chuyên mục