Quan niệm sống lỗi thời là khởi nguồn của bệnh thành tích

Trong chừng mực nào đó, những phong tục của người Việt Nam có tác động rất lớn đến đời sống cộng đồng. Do ảnh hưởng của những quan niệm sống cứng nhắc cũng như những hủ tục nên thói hư tật xấu cũng bắt nguồn từ đó. 

Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính hay Việc Làng của Ngô Tất Tố  cũng đã từng phê phán nghiêm khắc những quan niệm sống, cũng như những hủ tục như thế, mà thói háo danh là tiêu biểu nhất. Xã hội phát triển, những quan niệm lỗi thời hay những hủ tục lại biến tướng một cách tinh vi với nhiều hình thức khác nhau. 

Ngay từ nhỏ, con người đã bị ràng buộc bởi những tập quán lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức. Những tập quán này có đôi khi vô tình là rào cản cho sự phát triển nhân cách con người. Theo truyền thống, cha mẹ lúc nào cũng lo lắng, chăm sóc cho con. Tuy nhiên, sự chăm sóc quá mức sẽ làm cho đứa trẻ ỷ lại, lười biếng và không có tính tự lập. Muốn con thành đạt, nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng đút lót, chạy chọt để đạt mục đích mà không hề biết rằng họ đã "giết chết" ý chí vươn lên của con mình.

Bên cạnh đó, áp lực học tập để có được một chỗ đứng trong xã hội theo nguyện vọng của cha mẹ nên phần lớn thời gian học sinh dành cho việc học tập, không có thời gian để vui chơi, giải trí làm giảm áp lực tinh thần. Nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn con em mình đạt điểm tốt chứ không quan tâm đến đời sống tinh thần của các em.

Nhà trường cũng vô tình tạo một áp lực không nhỏ trong việc học tập, chú trọng đến điểm số, vì thế tâm tư nguyện vọng của các em chưa được quan tâm nhiều. Đời sống xã hội ngày càng phức tạp với những biểu hiện hết sức đa dạng và ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển nhân cách và tâm lý học sinh. Hàng ngày, giác quan các em thường xuyên bị đủ thứ âm thanh, màu sắc kích động hay những lối ăn chơi hưởng thụ rình rập và ảnh hưởng theo chiều hướng "đe dọa" các em. Chính những hiệu ứng này đã làm cho những bài học làm người và những giá trị truyền thống bị phai mờ. Khi lứa tuổi vị thành niên mất đi những điểm tựa tin cậy từ thầy cô, cha mẹ mình thì dễ dàng phát sinh tâm lý chán nản, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của học sinh. 

Quan niệm “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp’’ đã phản ánh chân thật thói háo danh của người Việt. Một số người bất chấp tất cả để có được địa vị, chức tước trong xã hội. Ngày xưa, để có được một ngôi thứ trong làng, nhiều người phải đút lót, mở tiệc khao thì mới được làng xã công nhận. Xã hội hiện đại vẫn thế, để có được địa vị xứng đáng thì có bao nhiêu người thực sự đi lên bằng chính năng lực của mình?

Hiện tượng chạy trường, chạy chức, chạy quyền là những minh chứng rõ nét nhất cho vấn đề này. Từ đó, xã hội mới có những người tuy chức cao, địa vị sang trọng nhưng lại bất tài. Những ông quan này cứ noi theo tấm gương phản chiếu của chính bản thân mình mà hành xử công việc hàng ngày; thích được xu nịnh, biếu xén là điều tất nhiên. Nạn tham nhũng, hối lộ cũng bắt đầu từ đây mà có. Hiện tượng "đi cửa sau" đã và đang xuất hiện trong bộ máy công quyền với nhiều hình thức tinh vi và kín đáo hơn.

Trong cuộc sống, ai cũng muốn vươn lên. Đó là một động lực để phấn đấu nhưng cũng tạo ra mặt trái. Tâm lý ganh đua, đố kị cũng phát sinh từ đây. Hiện tượng học giả bằng thật đang tràn lan là một minh chứng cho sự ganh đua không lành mạnh. Ai cũng biết để có được những học vị như cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ bằng chính thực lực của mình thì phải trải qua những tháng ngày miệt mài bên sách vở. Thế mà, có những vị vừa đi học vừa đi làm mà chỉ trong một thời gian ngắn cũng có được một tấm bằng như ai.

Đó là lý do tại sao có nhiều ông thạc sĩ, tiến sĩ nhưng nói tiếng Anh chẳng ra hồn! Những tấm bằng của họ chắc chắn là do chạy chọt, xin điểm để có được một vị thế vững chắc cho chiếc ghế của mình. Ở một góc độ khác, sự đố kị cũng xuất hiện với một ai đó sợ người khác giỏi hơn mình. Họ luôn tìm cách để dèm pha, hạ uy tín của người khác trước mặt mọi người. Những chuyện đời tư, những lỗi lầm nho nhỏ được họ thêu dệt, thổi phồng lên để dư luận cho rằng người đó không xứng đáng có được sự tín nhiệm hay đề bạt.

Suy cho cùng, trong những thói hư, tật xấu của người Việt hiện nay, một phần là do những quan niệm sống sai lệch bắt nguồn từ những hủ tục thời xa xưa mà bệnh thành tích cũng không ngoại lệ. Xã hội hiện đại, chúng ta cũng cần nên loại bỏ đi những quan niệm sống không phù hợp, bởi vì chính những quan niệm sống như thế là rào cản cho sự phát triển trong tương lai và có đôi khi lại làm trò cười trước thiên hạ.

Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục