Quặn mình trong lũ dữ

Đến chiều 4-8, trên địa bàn các huyện Quan Sơn, Quan Hóa và Mường Lát đã xảy ra 48 điểm sạt lở, 2 điểm bị ngập úng gây ách tắc giao thông, nhiều xã vẫn bị cô lập, riêng huyện Mường Lát bị cô lập hoàn toàn.
Các lực lượng đang nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn người dân tại bản Sa Ná (xã Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa)
Các lực lượng đang nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn người dân tại bản Sa Ná (xã Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa)

Mặc dù bão số 3 không đổ bộ vào tỉnh Thanh Hóa, nhưng ảnh hưởng gây mưa lũ của nó đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh này. 12 người mất tích, 2 người chết, 3 bị thương; nhiều nhà cửa, đường sá, hoa màu bị tàn phá, nhiều địa bàn vẫn đang bị cô lập. Chưa bao giờ người dân bản nghèo nơi rẻo cao biên giới này lại phải chịu cảnh tang thương, tan hoang đến thế. 

Trận lũ quét kinh hoàng

Trận lũ quét kinh hoàng đã quét qua bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) khiến 17 người bị cuốn trôi cùng 20 ngôi nhà. Sau một ngày xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, nhiều khuôn mặt vẫn còn đang hốt hoảng, lo âu trước sự việc quá đỗi bất ngờ và kinh hoàng. 11 người vẫn còn nằm lẩn khuất đâu đó phía dưới sông Luồng. Mưa vẫn trút xuống, nước sông suối vẫn cuồn cuộn. Bản Sa Ná với 74 hộ với trên 300 nhân khẩu bị cô lập với bên ngoài, thông tin liên lạc cũng mất. Lực lượng bộ đội, công an… chỉ tiếp cận được Sa Ná bằng cách dùng ca nô chuyên dụng theo đường sông hoặc cắt rừng đi bộ. 

Ông Lương Văn Chon (52 tuổi), người may mắn sống sót trong trận lũ quét, kể: Khoảng 5 giờ sáng ngày 3-8, thấy trời mưa to nên ông lội qua sông Luồng để cõng lúa sang ngôi nhà sàn mới để cất. Tầm 7 giờ sáng, khi ông tiếp tục sang nhà cũ thì bất ngờ nước sông Luồng dâng cao. Ông chỉ kịp thét lên cho mẹ, vợ và 2 cháu chạy lên khu nghĩa địa trên bìa rừng lánh nạn. Ngay sau đó ít phút, ngôi nhà bị lũ cuốn kéo theo cả ông. Ông bị nước đẩy đi khoảng gần 3km thì may mắn níu được vào một ngọn cây. Ông phải níu ngọn cây như vậy trong tình trạng kiệt sức, đói và rét. Đến khoảng 15 giờ 30, các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Na Mèo và chính quyền địa phương mới tiếp cận được và đưa ông vào bờ. 

Anh Hoàng Xuân Luyến (45 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng, nói: “Từ khi sinh ra đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy lũ khủng khiếp đến thế!”. Anh kể, đầu giờ sáng thấy mưa lớn, nước sông Luồng bắt đầu dâng cao nên anh đưa vợ và 2 con sang nhà anh trai tá túc. Khi anh quay lại nhà lấy bếp gas thì bất ngờ lũ cuộn về, cuốn theo anh và ngôi nhà. Anh bị cuốn vào một bụi tre và va đập vào đá nên bị thương. Đến trưa cùng ngày, lực lượng tìm kiếm phát hiện ra anh và kéo lên bờ, đưa đi cấp cứu.

Ông Phạm Văn Tiệu, Chủ tịch UBND xã Na Mèo, cho biết, ngay trong ngày 3-8 khi xảy ra vụ lũ quét, bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương đã tìm cách vào bản Sa Ná, nhưng do mưa to, nước đổ về mạnh nên mãi đến tối cùng ngày 10 người mới tiếp cận được vào bản. Đến sáng 4-8, có thêm 10 người nữa vào được bản mang theo thuốc men, nhu yếu phẩm. Toàn xã Na Mèo còn 4 bản bị cô lập, gồm Sa Ná, bản Son, Ché Lầu và Cha Khót. 

Dốc lực tìm người mất tích

Trong ngày 4-8, tỉnh Thanh Hóa đã điều động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phối hợp với các ban ngành địa phương tổ chức tìm kiếm 11 người mất tích tại xã Na Mèo. Lực lượng chia thành 3 mũi phối hợp tìm kiếm dọc 2 bên sông Luồng thuộc các xã Na Mèo, Sơn Điện, Sơn Thủy, Mường Mìn… (huyện Quan Sơn). Trong các mũi lại được chia làm làm nhiều nhánh để rà toàn bộ khu vực. Đội xuồng chuyên dụng của công an cũng đã được triển khai. Trong khi đó, 250 người là lực lượng tại chỗ gồm bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương các xã Na Mèo, Tam Thanh, Mường Mìn đã triển khai vào các bản để tìm kiếm những người chưa thể liên lạc được và khắc phục hậu quả. Trong ngày 4-8, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã hỗ trợ khẩn cấp cho nhân dân vùng lũ xã Na Mèo 5 tấn gạo.

Đến chiều 4-8, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy một người bị thương nặng bên bờ sông Luồng (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn). Sáng cùng ngày, thi thể anh Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn (huyện Mường Lát), đã được tìm thấy. Tối 3-8, anh Súa cùng chính quyền xã đi giúp bà con bản Pá Hộc ra khỏi vùng nguy hiểm. Khi đến khu vực Trường Tiểu học Nhi Sơn bất ngờ bị đất đá từ trên núi cao đổ ập xuống vùi lấp. Mặc dù mọi người đã nỗ lực tìm cứu nhưng do lượng đất đá quá lớn nên đến sáng hôm sau mới tìm thấy thi thể anh. 

Đến chiều 4-8, trên địa bàn các huyện Quan Sơn, Quan Hóa và Mường Lát đã xảy ra 48 điểm sạt lở, 2 điểm bị ngập úng gây ách tắc giao thông, nhiều xã vẫn bị cô lập, riêng huyện Mường Lát bị cô lập hoàn toàn.

Tối 4-8, UBND xã Tân Bình, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) cho biết đang khắc phục hậu quả vụ ngã cây do mưa dông, đè chết một phụ nữ trên địa bàn. 

Theo đó, liên tục mấy ngày qua ở xã Tân Bình có mưa to do ảnh hưởng của bão số 3. Mưa lớn kèm dông gió mạnh đã khiến một cây bạch đàn cao khoảng 10m đổ ngã đè khiến chị Nguyễn Thị Ngọc (43 tuổi, ngụ xã Tân Bình) tử vong. Tại Hậu Giang, mưa dông trong mấy ngày qua đã gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Thống kê ở các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A, Long Mỹ… có 5 phòng học, 153 căn nhà bị sập và tốc mái. Mưa dông liên tục cũng làm nhiều cây cối ở nông thôn, ven lộ… bị đổ ngã cản trở giao thông. 

Tin cùng chuyên mục