Quản lý theo tư duy chính quyền phục vụ dân

Tại diễn đàn đối thoại quý 3-2019 của tỉnh Hậu Giang, ông Lữ Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, yêu cầu các sở ngành và chính quyền giải quyết công việc theo phương châm “Khẩn trương, trách nhiệm và hiệu quả” để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN). 

Đồng hành cùng DN

Mở đầu phần đối thoại, UBND tỉnh khái quát tình hình 9 tháng đầu năm: Toàn tỉnh có thêm 453 DN thành lập mới, số vốn đăng ký 1.175 tỷ đồng, tăng 9% về số DN và tăng 34% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; bình quân quy mô một DN là 4,3 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Cũng trong 9 tháng qua, toàn tỉnh có 15 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng vốn 1.883 tỷ đồng; một dự án trong khu công nghiệp với tổng vốn 789 tỷ đồng.

Ngay sau đó, phần lớn thời gian của buổi tiếp xúc là dành cho DN trình bày các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất. “Phía công ty chúng tôi đã đầu tư ở nhiều tỉnh thành. Chúng tôi cảm nhận việc một quý đối thoại một lần với DN là rất hiếm. Chúng tôi đánh giá cao việc làm này của lãnh đạo tỉnh. Thường thì khó khăn của DN chủ yếu liên quan đến đất đai, đụng đến đất của dân là rất khó. Song, các sở ngành của tỉnh đồng hành cùng DN làm chặt chẽ, đúng pháp luật, nên quá trình giải phóng mặt bằng rất nhanh. Qua đó, DN rất phấn khởi, đem hết nhiệt tình để sản xuất”, ông Chu Văn An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, chia sẻ.

Quản lý theo tư duy chính quyền phục vụ dân ảnh 1 Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu (giữa) thăm nhà máy sản xuất của doanh nghiệp

Được biết, Minh Phú Hậu Giang là một trong những công ty thành viên của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đảm nhiệm vai trò chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Hiện công ty có hơn 6.000 lao động, trong đó 1/3 là người ở Hậu Giang, còn lại là các tỉnh lân cận. Tại buổi đối thoại này, ông Chu Văn An kiến nghị tỉnh xem xét để công ty sử dụng nước với giá cả hợp lý.

Ngay sau đó, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hậu Giang, ông Hồ Văn Phú hồi đáp: “Do hạ tầng khu công nghiệp chưa hoàn chỉnh, một phần nơi công ty sản xuất là khu vực hạn chế khai thác nước ngầm. Tới đây, sở sẽ làm trung gian để công ty kết nối với doanh nghiệp cung cấp nước, tìm thỏa thuận giá nước hợp lý”.

Hiện nay nước lũ đã rút, nông dân Hậu Giang đang tranh thủ xuống giống lúa đông xuân. Có mặt tại buổi đối thoại, ông Trần Văn Huynh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hai Huynh (huyện Vị Thủy), lo lắng không biết đầu ra hạt gạo tới đây ra sao, việc làm mã vạch truy xuất nguồn gốc có khó không.

Liền đó, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, đăng đàn trả lời: “Sở sẽ cử đơn vị nghiệp vụ đến hỗ trợ miễn phí cho HTX quy trình thực hiện làm mã vạch truy xuất nguồn gốc nông sản. Đồng thời, sở sẽ mời DN gặp mặt nông dân để bàn chi tiết việc bao tiêu vùng lúa gạo”. 

Giải quyết hết việc chứ không hết giờ

Tỉnh Hậu Giang hiện nay là địa phương được thành lập muộn nhất của khu vực ĐBSCL, cơ sở hạ tầng có nhiều khó khăn. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã nỗ lực không ngừng để kêu gọi, thu hút các DN đầu tư vào địa bàn để phát triển kinh tế. Ngoài chương trình đối thoại hàng quý giữa lãnh đạo tỉnh với DN, Hiệp hội DN tỉnh Hậu Giang cũng tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” để kết nối DN trao đổi, tìm đối tác, cũng như chia sẻ ý kiến thường xuyên đến lãnh đạo tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh và truyền đi thông điệp về xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ. Cả hệ thống chính trị, các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương hưởng ứng và quyết tâm thực hiện. Trong gần 3 năm, tỉnh Hậu Giang với nỗ lực phát triển địa phương thành một tỉnh khá của ĐBSCL đã thực sự vào cuộc thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, qua đó đã đạt được một số kết quả cụ thể. 

“Kết quả rõ nét nhất trong thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo là vấn đề thay đổi tư duy của các cấp lãnh đạo, các sở, ban ngành của tỉnh Hậu Giang. Đã có chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy quản lý theo mệnh lệnh hành chính sang tư duy chính quyền phục vụ người dân và DN. Chính quyền địa phương luôn bên cạnh, đồng hành cùng người dân và DN để hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc; khuyến khích các DN tư nhân tham gia những lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải trực tiếp thực hiện, nhất là xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục… Những thay đổi căn bản về tư duy được thể hiện thông qua công tác chỉ đạo, điều hành công việc của các cấp lãnh đạo của tỉnh Hậu Giang. Sự quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ của các cấp chính quyền tỉnh cũng thể hiện thông qua nhiều cơ quan, đơn vị đề ra phương châm giải quyết hết việc, chứ không hết giờ. Hình ảnh nhiều trụ sở cơ quan ban ngành sáng đèn đến đêm để giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp tại tỉnh Hậu Giang cũng là hình ảnh thường xuyên. Từ đó, số lượng nhiệm vụ thực hiện quá hạn hoặc chưa triển khai đã giảm đáng kể, thể hiện sự thay đổi tư duy, phong cách làm việc đang dần dần mang lại những kết quả hết sức thiết thực”, ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thông tin.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Chương trình Cà phê doanh nhân là cầu nối giữa các DN với chính quyền, giữa DN với DN. Qua đó, các khó khăn và vướng mắc của DN được lãnh đạo tỉnh nắm bắt kịp thời để có hướng hỗ trợ, giải quyết rốt ráo. Đây còn là sân chơi bổ ích để DN tìm kiếm những đối tác thiết thực”. 

Tin cùng chuyên mục