Quản lý tài nguyên, xử lý khiếu kiện bất cập là nguyên nhân dẫn đến vụ việc ở Mỹ Đức (Hà Nội)

Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận định, công tác quản lý sử dụng đất đai vẫn còn hạn chế, pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều nội dung chưa thống nhất, đồng bộ; cộng với bất cập trong công tác xử lý khiếu kiện, chống đối trong vụ việc hỗ trợ, đền bù đất đai tại huyện Mỹ Đức - Hà Nội đã dẫn đến tình trạng mất trật tự an toàn xã hội, thiệt hại về tính mạng và tài sản.

 

Công tác quản lý đất đai ở nhiều nơi còn bị buông lỏng
Công tác quản lý đất đai ở nhiều nơi còn bị buông lỏng

Tại phiên họp của UBTVQH sáng 22-4, qua thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận định, công tác quản lý sử dụng đất đai vẫn còn hạn chế, pháp luật về đất đai vẫn còn nhiều nội dung chưa thống nhất, đồng bộ. Thực tế này dẫn đến nhiều khiếu kiện, bức xúc của nhân dân, đặc biệt công tác xử lý khiếu kiện, chống đối trong việc hỗ trợ, đền bù đất đai tại huyện Mỹ Đức - Hà Nội còn để xảy ra tình trạng mất trật tự an toàn xã hội, thiệt hại về tính mạng và tài sản.

Vẫn theo Báo cáo được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp ở một số địa phương chưa hiệu quả, diện tích đất chưa sử dụng còn cao (theo Báo cáo số 1689/BC-UBKT14 ngày 12-11-2019, diện tích đất chưa sử dụng còn 2.060,39 ngàn ha, cao hơn 750,03 ngàn ha so với chỉ tiêu Quốc hội giao); tình trạng hoang hóa, lấn, chiếm sử dụng không đúng mục đích đất vẫn xảy ra.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác trái phép khoáng sản, cát, đá, sỏi trái phép vẫn xảy ra; công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản chậm đổi mới; việc quản lý tài nguyên nước còn hạn chế từ công tác quy hoạch, khai thác, sử dụng, đến kiểm soát chất lượng nước. Tình trạng chặt phá rừng trái phép, cháy rừng còn xảy ra ở một số nơi và tăng so với năm trước, gây lãng phí tài nguyên rừng, ảnh hưởng không tốt đến môi trường (Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2019, diện tích rừng bị cháy là 2.716,5 ha, gấp 4,7 lần năm 2018; diện tích rừng bị chặt phá là 596,1 ha, tăng 6,6% so với năm 2018)… Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp; sạt lở bờ sông, ven biển, hạn hán, xâm ngập mặn diễn ra nghiêm trọng ở một số địa phương; chất lượng môi trường ở một số nơi xuống cấp nhất là ở các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông.

Để khắc phục tình trạng này, cơ quan thẩm tra yêu cầu Chính phủ tập trung triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, sử dụng lao động, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.

Tin cùng chuyên mục