Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy 12 tháng, không phân biệt tuổi

Sáng 9-12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 12-2020. UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo về tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, trên cơ sở nhận định việc phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy sẽ làm tăng thêm sức mạnh và tính minh bạch trong công tác này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban dự kiến chỉnh lý dự thảo theo hướng nêu rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy cho đầy đủ, giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy như luật hiện hành và không quy định cụ thể các hoạt động nghiệp vụ để phát hiện tội phạm về ma túy.

Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo được chỉnh lý theo hướng: quy định thời hạn quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy là 12 tháng mà không phân biệt độ tuổi; bổ sung quy định làm rõ căn cứ và cơ sở thực hiện các nội dung quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy để tránh quy định một cách tùy nghi và bảo đảm tính khả thi.

Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, bà Thúy Anh cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị giữ biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, song Thường trực Ủy ban nhận thấy, trong thời gian qua, việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở đa số địa phương hiệu quả thấp vì người nghiện ma túy không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khi tự nguyện thực hiện cai nghiện; điều kiện và khả năng của chính quyền cơ sở về địa điểm và nguồn nhân lực, kinh phí để tổ chức cai nghiện còn nhiều khó khăn và số lượng người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng giảm mạnh từ năm 2014 đến nay, chỉ còn 6/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện cho 4.320 lượt người và chủ yếu chỉ dừng ở khâu cắt cơn.

Do nội dung này, ý kiến còn rất khác nhau, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thực trạng công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng từ đó chỉ ra nguyên nhân dẫn đến không hiệu quả và đưa ra giải pháp khắc phục và đề xuất các quy định cụ thể để bảo đảm việc thực hiện, áp dụng pháp luật thống nhất, hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục