Quặn lòng “lộc vàng” biển mặn

Chưa có năm nào người dân làm muối tỉnh Khánh Hòa lại lâm cảnh cơ cực như năm nay, nghịch đến nỗi, đã vào chính vụ muối nhưng người làm muối chẳng sản xuất được hạt muối nào.
Nông dân một nắng hai sương với hạt muối
Nông dân một nắng hai sương với hạt muối
Chưa có năm nào người dân làm muối tỉnh Khánh Hòa lại lâm cảnh cơ cực như năm nay. Thường thì dân kêu trời vì muối được giá - mất mùa, được mùa - mất giá. Nhưng năm nay, nghịch đến nỗi, đã vào chính vụ muối nhưng người làm muối chẳng sản xuất được hạt muối nào, khiến cho tình cảnh còn thê thảm hơn.

Ruộng muối vắng tanh 

Tháng 5, trời miền Trung nắng như đổ lửa, có nơi nhiệt độ đến 39-40°C. Thế nhưng, thời tiết tại Khánh Hòa thì hoàn toàn ngược lại, trời cứ vài ba ngày lại đổ mưa to nên trên những đồng muối chẳng có một bóng người. Mọi năm, sau khi ăn tết xong, người dân Khánh Hòa đồng loạt ra đồng sản xuất muối. Tuy nhiên, năm nay do mưa kéo dài từ sau tết đến tận hôm nay, khiến ruộng muối chìm trong nước, độ mặn giảm nên vụ muối đến giờ đã trễ gần 3 tháng. Chúng tôi về phường Ninh Diêm, thị xã Ninh Hòa - vựa muối của tỉnh Khánh Hòa, nhưng đi đến đâu cũng thấy ruộng muối lênh láng nước. Chỉ tay về ruộng muối rộng gần 1ha, ông Trần Thanh Tú ở Ninh Diêm, cho biết nước đó là nước mưa đọng lại từ nhiều tháng qua, chứ không phải nước mặn của biển. Sau Tết Nguyên đán đến giờ, trời vài ba hôm lại mưa, rồi lại nắng, người dân ra đồng tát nước mưa để bơm nước biển vào làm muối. Nhưng nước biển bơm vào ruộng được vài ngày trời lại mưa. “Tôi đã 3 lần bơm nước ra vào ruộng muối, nhưng nay bỏ thí vì nước mặn bơm vào ruộng, khi muối đang thời điểm kết tinh thì mưa đổ xuống, tinh muối tan theo bọt nước. Không biết năm nay lấy gì để sống”, ông Tú buồn bã nói.

Nói đến người làm muối, nghề kiếm cơm của họ chỉ dựa vào khoảng 4 tháng làm muối lúc trời nắng nóng nhất trong năm. Nếu không làm ra hạt muối, họ không biết lấy gì để sống, khi việc chuyển đổi nghề từ hạt muối rất khó. Chúng tôi ghé vào HTX muối Ninh Diêm 1-5, một trong những HTX lâu đời và có số xã viên đông bậc nhất hiện nay của vựa muối thị xã Ninh Hòa. Đáng ra vào thời điểm này, trên các ruộng muối phải nhộn nhịp diêm dân cào, gánh muối. Nhưng trên các đồng muối mênh mông chỉ thưa thớt bóng người. Ông Lê Nhỏ, một người làm muối cho biết, toàn đội sản xuất muối của ông có 13 người, trong đó 1 kỹ thuật nước, 5 thợ cào và 7 bạn gánh. Vụ muối này, HTX giao cho đội ông 2ha muối, với chỉ tiêu hàng năm trên 200 tấn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã qua 2 tháng chính vụ muối, nhưng số muối đội ông làm ra chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu được giao. 

Theo ông Lê Nhỏ, ruộng muối bị chìm trong nước mưa quá lâu, nay rong rêu ở ruộng muối dày đặc nên muốn cải tạo lại ruộng muối phải mất hàng tuần, tốn công, chi phí, đó là nếu trời không mưa. Nhưng khổ thay, mùa muối đã dần bước qua thời điểm nửa cuối vụ, dù có cải tạo xong ruộng thì thời gian cũng không đủ để sản xuất các mẻ muối tiếp theo. “Chưa có năm nào chúng tôi lại chịu cảnh trớ trêu như hiện nay. Không trụ được với nghề, nhiều người đã bỏ ruộng muối đi làm “thợ đụng” mong sao kiếm được cái ăn qua ngày”, ông Nhỏ nói.

Khó trụ được với nghề

Hạt muối và nghề làm muối một thời được ví như “lộc vàng” của biển, nhưng theo thời gian, biển mặn đã không đem đến cho diêm dân cuộc sống no ấm như xưa. 

Ông Lê Văn Hùng ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa năm nay đã gần 60 tuổi và có thâm niên hơn 30 năm làm muối, tâm sự: “Nhiều người sẽ chọn nghề làm muối là nghề cực nhọc nhất trong các nghề nông. Những ruộng muối bây giờ chỉ còn lại người già bám trụ, bởi họ đã lớn tuổi nên không có cơ hội tìm nghề khác ở đâu đó. Còn thanh niên trai tráng thời nay, ít ai “bán mặt” cho hạt muối truyền thống vì vốn dĩ hạt muối không đem đủ cái ăn từ nhiều năm qua. Vậy nên, thanh niên ở các làng muối kéo nhau đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam ngày một nhiều là điều dễ hiểu”. 

Ông Đặng Thọ Phúc, Phó Giám đốc HTX muối Ninh Diêm 1-5 cho biết, toàn HTX có hơn 90ha ruộng sản xuất muối trên nền đất, với gần 500 xã viên sống nhờ muối. Vào thời điểm này năm ngoái, HTX đã thu hoạch muối và có doanh thu nhờ bán muối. Tuy nhiên năm nay, việc cải tạo ruộng muối đang triển khai rất chậm, mới chỉ đạt 60% khối lượng công việc. Nếu trời cứ mưa thất thường như thế này, chỉ tiêu sản xuất sẽ không đạt và nguồn thu của xã viên ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Còn theo lãnh đạo HTX muối Ninh Thủy, do mưa liên tục khiến mực nước tại ruộng muối cứ khô rồi lại đầy nước, nên đến nay, HTX này chưa bước vào vụ sản xuất muối, HTX gần như “trắng” muối.

Theo thống kê của Chi cục Nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa, năm nay toàn tỉnh có gần 1.000ha sản xuất muối và thực tế diện tích này đã được các HTX, doanh nghiệp và người dân đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, do mưa kéo dài nên diện tích sản xuất ra muối rất ít, chỉ đạt hơn 36% so với năm ngoái, trong khi mùa muối đã bước vào nửa cuối vụ. Thậm chí, hiện có HTX sản xuất muối như HTX muối Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa), HTX muối Cam Nghĩa (TP Cam Ranh), Công ty CP sản xuất muối Cam Ranh (TP Cam Ranh), Doanh nghiệp tư nhân Liên Sơn sản xuất muối Ninh Diêm (thị xã Ninh Hòa), dù đã triển khai sản xuất muối trên tổng diện tích, nhưng hiện vẫn chưa thu được hạt muối nào; riêng các hộ sản xuất cá thể thì càng không. 

Theo các thương lái chuyên thu mua muối, thời điểm này năm ngoái, giá muối thủ công chỉ khoảng 350.000 đồng/tấn, nhưng năm nay, giá đã cao hơn gấp đôi do khan hiếm; giá muối trải bạt đạt 1 triệu đồng/tấn nhưng thương lái không tìm đâu ra để mua. Đến thời điểm này, lượng muối tồn trong người làm muối tỉnh Khánh Hòa đã được thương lái vét sạch, từ nay đến cuối vụ, thương lái phải “đỏ mắt” tìm muối và nhiều doanh nghiệp có nguy cơ vỡ hợp đồng cung ứng muối với đối tác.

Tin cùng chuyên mục