Quan hệ hợp tác Việt Nam - Indonesia ngày càng đi vào chiều sâu

Chiều 23-4, tại Dinh Tổng thống ở thành phố Bogor, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đón tiếp và hội đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong không khí trọng thị, chân tình, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi thực chất nhiều vấn đề nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến chào xã giao Tổng thống Indonesia Joko Widodo, chiều 23-4. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến chào xã giao Tổng thống Indonesia Joko Widodo, chiều 23-4. Ảnh: TTXVN

Tại buổi hội đàm, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất; nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả Chương trình Hành động giai đoạn 2019-2023, triển khai quan hệ Đối tác chiến lược và Tầm nhìn hợp tác quốc phòng song phương giai đoạn 2018-2022.

Hai nhà lãnh đạo đã dành nhiều thời gian để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế song phương; đặc biệt là việc giảm rào cản thương mại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hai nước để sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD theo hướng giảm nhập siêu của Việt Nam.

Hai bên nhất trí sớm nối lại các đường bay vào thời điểm phù hợp và xem xét tạo điều kiện cho Vietjet Air mở các đường bay từ Hà Nội và TPHCM đến Jakarta; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm; tăng cường hợp tác biển và đại dương, trong đó có hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển hai nước. Hai nhà lãnh đạo khẳng định đặc biệt coi trọng sự cần thiết sớm hoàn tất đàm phán ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước để tạo hành lang pháp lý cho hai bên tăng cường hợp tác, giảm các vụ việc đánh bắt cá trái phép, tạo hình mẫu về giải quyết khác biệt trên biển giữa các quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Tổng thống Joko Widodo đánh giá cao việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN ngay sau khi mới nhậm chức, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và Liên hiệp quốc, cùng phối hợp với các nước ASEAN khác thúc đẩy giải quyết vấn đề Myanmar theo hướng sớm ổn định tình hình, giảm bạo lực và thương vong cho người dân, nối lại đối thoại giữa các bên để tìm kiếm giải pháp hòa bình, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Hai bên cũng nhất trí duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tin cùng chuyên mục