Quân đội thì không thể kinh doanh khách sạn, xây nhà ở để bán...

Sáng 14-11, bên cạnh nội dung thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Quốc hội cũng thảo luận tại tổ về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Đáng chú ý, các ĐBQH tranh luận khá sôi nổi về vấn đề quân đội làm kinh tế.

Chính phủ trình sửa luật nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị để xây dựng phát triển đất nước.

Quan điểm chỉ đạo là giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, dân quân tự vệ và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Thảo luận về luật này, các ĐBQH đều tán thành việc sửa luật. Nhưng các ĐB cũng đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề.

Quân đội thì không thể kinh doanh khách sạn, xây nhà ở để bán... ảnh 1 Tập đoàn Viettel - một đơn vị của quân đội phát triển mạng lưới kinh doanh ra quốc tế.
ĐB Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) cho rằng, luật lần này đưa vào cụm từ mới kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Cần làm rõ điều này để có căn cứ điều chỉnh khi thiết kế chính sách. Bởi nếu không làm rõ thì sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau khi vận dụng, vì đây là nội dung mới so với Luật Quốc phòng hiện hành.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị làm rõ khái niệm khu kinh tế-quốc phòng. Khi thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Quốc phòng an ninh cũng đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ nội hàm của sự kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và những điều kiện, nguyên tắc cơ bản của sự kết hợp để bảo đảm tính khả thi của điều luật.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng băn khoăn vấn đề quân đội làm kinh tế. ĐB Trương Trọng Nghĩa ủng hộ phát triển công nghiệp quốc phòng, bởi vì hoạt động kinh tế bình phong, các nước trên thế giới đều thực hiện.

Tuy nhiên, theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nghị quyết Đảng đã nêu rõ, những gì không cần thiết thì lực lượng vũ trang không nên làm kinh tế, mà nên tập trung lực lượng để chiến đấu. Vì vậy, kết hợp kinh tế-quốc phòng cần bảo đảm nguyên tắc lực lượng quốc phòng không làm kinh tế thuần túy vì lợi ích, lợi nhuận hoặc kinh doanh những ngành nghề không phục vụ cho mục đích quốc phòng.

Ví dụ quốc phòng thì không thể kinh doanh massage, khách sạn, không xây nhà ở để bán.. Toàn dân, nhà nước phải có nghĩa vụ bảo đảm kinh phí cho quân đội thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 

“Làm như vậy chính là để tăng sức mạnh quốc phòng, không phân tán nguồn lực, đồng thời không làm ảnh hưởng niềm tin, tình cảm của dân đối với quân đội. Vì làm kinh tế nếu có sai phạm thì sẽ ảnh hưởng đến tình cảm của dân đối với quân đội”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Quân đội thì không thể kinh doanh khách sạn, xây nhà ở để bán... ảnh 2 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng quân đội không nên làm kinh tế thuần túy vì lợi ích, lợi nhuận mà phải gắn với mục đích quốc phòng
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, cái thời ở trong rừng bộ đội phải xách cuốc đi trồng cây, cày cấy cùng nhân dân tăng gia sản xuất khác rồi. Bất đắc dĩ mới phải làm như vậy. Còn bộ đội phải tập trung cho việc sẵn sàng chiến đấu. Khu vực kinh tế quốc phòng đồng thời cũng phải là khu vực phòng thủ. Vì nói khu kinh tế-quốc phòng mà động viên nhân dân trồng cây cao su thì Bộ NN-PTNT hay chính quyền địa phương có thể làm.

ĐB Nguyễn Văn Chương (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TPHCM) tranh luận cho rằng, việc quân đội kết hợp làm kinh tế là vấn đề cần đánh giá thận trọng. “Khi hòa bình lập lại, Bộ Quốc phòng đã mời gọi giao khu đất rừng mênh mông khu biên giới cho Bộ NN-PTNT, các bộ ngành để bảo vệ biên giới. Tuy nhiên, sau bao nhiêu năm cũng không ai tới đó. Chỉ có quân đội xung phong lên với xe công binh, xe kéo với lực lượng cuốc cày mà quân đội có. Bộ đội đã xây dựng những doanh trại ban đầu, xây dựng vùng biên thành rừng cao su. Qua thời gian mới hình thành mặt bằng phẳng lặng, mới làm ra kinh tế, dần dần người dân mới chịu di cư lên, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng”, ĐB Chương dẫn chứng.

Theo ĐB Nguyễn Văn Chương, vấn đề có việc lợi dụng quân đội làm kinh tế kết hợp quốc phòng để làm sai, phục vụ lợi ích nhóm, làm mất uy tín quân đội là không thể chấp nhận được, cần chấn chỉnh. Còn mục tiêu tối thượng của quân đội là bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền.

Hiện Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương đề án Bộ Quốc phòng đề xuất, và Chính phủ cũng đã thông qua đề án chính thức tái cơ cấu các doanh nghiệp của quân đội. Sau khi thực hiện chủ trương thì hơn 100 doanh nghiệp đã giảm xuống còn 88. Tới đây thực hiện đề án đổi mới sẽ cổ phần hoá, thoái vốn của nhà nước, khi đó quân đội còn 17 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp có cổ phần và 12 doanh nghiệp vốn sở hữu nhà nước (trong đó có cả tập đoàn Viettel và Tổng Công ty 36).

ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM), Phó Chính ủy Quân khu 7) cũng cho rằng, khu kinh tế - quốc phòng là bà đỡ cho nhân dân vùng biên giới, để họ có công ăn việc làm, bám biên giới, bám làng bản, làm phên giậu cho đất nước. Chúng ta đều mong muốn lực lượng quân đội mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phát triển kinh tế. Vừa qua có một số vấn đề trong lĩnh vực quân đội làm kinh tế, Đảng cũng đã nhận thấy và có những điều chỉnh.

Tin cùng chuyên mục