Quán cà phê bao vây di tích Bạch Dinh

Một câu chuyện phi lý đang xảy ra tại khu di tích (KDT) lịch sử văn hóa quốc gia Bạch Dinh (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đất di tích nhường chỗ cho các quán cà phê kinh doanh buôn bán và thậm chí có thời điểm được nhượng lại cho quán nhậu. 
Các quán cà phê trong KDT Bạch Dinh
Các quán cà phê trong KDT Bạch Dinh

Điều tréo ngoe hơn nữa là mặc dù đã hết thời hạn thuê đất nhưng các hộ kinh doanh chây ì không chịu trả lại mặt bằng, thậm chí là bất hợp tác và đặt ra những yêu sách với cơ quan chức năng.

Dấu ấn Bạch Dinh

KDT Bạch Dinh vốn là pháo đài Phước Thắng của triều Nguyễn, được bố trí nhiều khẩu súng thần công nhằm bảo vệ cửa biển Cần Giờ. Đến năm 1898, pháo đài Phước Thắng bị san phẳng để xây dựng một dinh thự dùng làm nơi nghỉ mát cho các Toàn quyền Đông Dương.

Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương 1897 - 1902) là người khởi xướng công trình và chính ông cũng là người đặt tên cho dinh thự này này theo tên con gái ông Villa Blanche. Công trình được hoàn thành vào năm 1902 với 3 tầng, cao 19m, rộng 15m, dài 28m với toàn bộ khu lâm viên rộng 6 ha chủ yếu là cây giá tỵ và cây hoa sứ. Do màu sơn bên ngoài cũng như tên gọi Villa Blanche (tiếng Pháp là Biệt thự màu trắng) nên người dân quanh vùng quen gọi dinh thự này là Bạch Dinh.

Ngày 4-8-1992, Bạch Dinh được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Hiện nay, Bạch Dinh là nơi trưng bày nhiều cổ vật của Bà Rịa - Vũng Tàu và hàng ngàn cổ vật được vớt từ chiếc tàu đắm tại vùng biển Hòn Cau, Côn Đảo thế kỷ 17. Đây là một trong những di tích nổi tiếng của Bà Rịa - Vũng Tàu, hàng năm thu hút hàng ngàn khách trong và ngoài nước tới tham quan du lịch.

Giá trị của di tích là vậy, nhưng từ năm 2004-2005 đất vùng II của KDT Bạch Dinh đã được công đoàn của Bảo tàng tỉnh cho một số hộ dân thuê lại. Chủ trương này được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu “hợp thức hóa” bằng văn bản số 2460-UBND-VP, ngày 18-5-2011 với hình thức đấu thầu hạn chế cho 5 hộ kinh doanh cà phê giải khát, mức giá giao khoán là 28.000 đồng/m2 và diện tích giao khoán là hơn 2.555m2.

Ngày 1-11-2011, Bảo tàng tỉnh đại diện cho sở VH-TT&DL đã ký kết hợp đồng kinh tế số 45/HĐKT-BT với ông Đặng Hữu Côn - đại diện cho 5 hộ thuê, thuê mặt bằng làm quán cà phê, giải khát trên diện tích hơn 2.555m² với giá 72 triệu đồng/tháng. Nhưng thực tế thì các hộ lại được bảo tàng tỉnh giao sử dụng toàn bộ diện tích hơn 4.242m². Thời gian hết hợp đồng là 31-10-2016, những tài sản và phương tiện lưu động của  5 quán cà phê gồm: Bạch Dinh, Hoa Sứ, Relax, Biển và Cửu Long phải tự tháo dỡ.

Hiện chỉ còn 3 quán Bạch Dinh, Hoa Sứ, Relax giữ nguyên tên, còn lại 2 quán được thay bằng quán Thố và Gond No1. Điều này cho thấy cơ quan chức năng không quản lý được các quán cà phê này. 5 quán này kéo dài từ cổng Bảo tàng tỉnh cho tới phía đối diện của cáp treo Hồ Mây. Theo nhiều người dân thì số tiền thuê 28.000 đồng/m2 là quá rẻ bởi một số người ở khu vực này cho biết, họ phải thuê đất với giá hơn trăm ngàn đồng/m2 ở thời điểm đó.

Ngày 9-11-2016, Bảo tàng tỉnh đã thành lập Tổ thanh lý HĐ nhưng các hộ kinh doanh lại tiếp tục có đơn kiến nghị xem xét tái ký hoặc gia hạn hợp đồng. Bảo tàng tỉnh trả lời bằng văn bản, do thời hạn hợp đồng đã hết nên các hộ dân phải bàn giao mặt bằng trước ngày 20-11-2016. Nhưng tới tận tháng 2-2017 mới chỉ có ông Đặng Hữu Côn đồng ý ký vào biên bản, còn lại 4 hộ kinh doanh không đồng ý ký kết thanh lý hợp đồng. Lại thêm 1 tháng nữa, cơ quan chức năng đến làm việc với các hộ kinh doanh tại đây nhưng kết quả vẫn như cũ là không lấy được mặt bằng.

Bất hợp tác

Tháng 4-2017, Bảo tàng tỉnh ra thông báo thu hồi mặt bằng và yêu cầu người dân phải bàn giao trước ngày 15-5-2017, lúc này thì 2 quán không nhận thông báo, còn 1 hộ thì bất hợp tác và đóng cửa quán. Vụ việc lại kéo dài đến cuối năm 2017 và lúc này Sở VH-TT (tách Sở Du lịch) lại tiếp tục nhượng bộ, họp cùng 5 hộ dân, thống nhất kiến nghị tỉnh đồng ý chủ trương cho kinh doanh đến 2018 nhưng đến lúc ký biên bản thì chỉ có 2 hộ ký, còn lại 3 hộ không chịu ký và kéo dài cho tới nay.

“Khi chúng tôi xuống làm việc lấy lại mặt bằng thì một số hộ bất hợp tác, khóa cửa bỏ ra ngoài và không chấp nhận làm việc” - một cán bộ Thanh tra của Sở VH-TT cho biết.

Như vậy, tính từ thời điểm hết hạn hợp đồng đến nay đã kéo dài gần 2 năm mà việc lấy lại mặt bằng cho di tích vẫn nhùng nhằng chưa có phương án giải quyết dứt điểm. Và thật khó hiểu là trong gần 2 năm đó, Nhà nước không hề thu được một đồng tiền thuê mặt bằng còn các hộ kinh doanh vẫn ung dung thu lợi (?!).

Các hộ kinh doanh tại đây chây ì không chịu trả mặt bằng với lý do đã hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan di tích; vay vốn đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đến nay chưa thu hồi được vốn; việc chuyển đổi địa điểm kinh doanh dẫn đến những khó khăn về mặt kinh tế và việc làm của người lao động, nếu thu hồi xong rồi giao cho đối tác khác thuê thì đây là sự thiếu công bằng nên kiến nghị hỗ trợ được gia hạn hợp đồng.

Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì đã có hộ cho thuê lại mặt bằng để kinh doanh quán nhậu và bị Thanh tra Sở VH-TT-DL xử phạt. Chưa kể người dân còn phản ánh tình trạng quán xá lụp xụp mất mỹ quan di tích, tiếng nhạc ồn ào từ quán cà phê gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong cả một thời gian dài.

Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thừa nhận, trước đây vấn đề quản lý di tích chưa được sự quan tâm đúng mức. Sở đã có công văn gửi TP Vũng Tàu đề nghị phối hợp cưỡng chế nhưng nhận được trả lời đây là vấn đề tranh chấp dân sự nên đề nghị kiện ra tòa, khi có bản án thì thi hành án và sẽ tiến hành cưỡng chế (?!).

Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sẽ thu hồi và chỉ đạo không chờ đưa ra tòa mà phải cương quyết và làm dứt điểm việc thu hồi đất di tích để phục hồi cảnh quan. Trước hết, sẽ tiến hành vận động, nếu các hộ không tự giác sẽ tiến hành cưỡng chế chứ không có lý do gì hết hạn hợp đồng mà cứ lòng vòng, chây ì.

Tin cùng chuyên mục