Quận Bình Tân: Đề xuất tách môn tích hợp trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chiều 17-11, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM do đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND quận Bình Tân về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông trên địa bàn quận Bình Tân.

Tại buổi làm việc, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, năm học 2021-2022, địa phương chỉ tuyển được 143 viên chức giáo dục trên tổng số 241 nhu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Năm học 2022-2023, toàn quận cần bổ sung 128 giáo viên tiểu học và 161 giáo viên THCS. Việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp, môn học mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn khó khăn do giáo viên chỉ được đào tạo để dạy đơn môn, thiếu ứng viên dự tuyển hai môn Âm nhạc, Mỹ thuật.

Song song đó, việc triển khai xây dựng mới trường học còn khó khăn dẫn đến tỉ lệ phòng học chưa đủ để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để đảm bảo yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Sĩ số học sinh/lớp ở cấp tiểu học còn cao (41,14 học sinh/lớp) gây nhiều khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động giảng dạy.

Quận Bình Tân: Đề xuất tách môn tích hợp trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ảnh 1 Toàn cảnh buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và UBND quận Bình Tân

Trước thực tế đó, quận Bình Tân kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh việc tích hợp, ghép môn ở cấp THCS. Nếu không hợp lý, hiệu quả, cần tách thành các phân môn Lịch sử, Địa lý (trong môn Lịch sử - Địa lý), Vật lý, Hóa học, Sinh học (môn Khoa học tự nhiên), Âm nhạc, Mỹ thuật (môn Nghệ thuật) như chương trình giáo dục trước đây.

Ngoài ra, địa phương kiến nghị Sở Nội vụ TPHCM xem xét, tham mưu UBND TPHCM sớm giao bổ sung 1.481 biên chế đối với khối sự nghiệp giáo dục và đào tạo để kịp thời tổ chức tuyển dụng cho các trường công lập trong năm học 2022-2023.

Liên quan đến việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cô Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn thông tin, trong bối cảnh dân số không ngừng gia tăng, nhà trường khó đáp ứng yêu cầu học sinh học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh khi chương trình triển khai cuốn chiếu trong những năm học tới.    

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn nêu ý kiến tại buổi làm việc

Đối với Trường THPT An Lạc, thầy Trần Phước Đức, Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc nêu thực tế, học sinh sau khi tốt nghiệp bậc THCS chưa học chương trình THPT nên việc yêu cầu các em lựa chọn môn học ở lớp 10 rất khó khăn.

Thậm chí, ngay cả những giáo viên làm công tác tư vấn lựa chọn môn học cho học sinh cũng chưa biết kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học sẽ như thế nào trong 3 năm tới.  

Trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hai môn Âm nhạc và Mỹ thuật hoàn toàn không có giáo viên và trang thiết bị dạy học. Trong khi đó, nguy cơ thừa giáo viên ở những bộ môn ít học sinh lựa chọn buộc trường sắp xếp các thầy, cô dạy thêm hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp dù chưa được đào tạo bài bản.

Đối với học sinh, việc lựa chọn môn học ở lớp 10 còn mang tính cảm tính, dẫn đến tình trạng có lớp sĩ số học sinh/lớp khá đông, có lớp ít học sinh.     

“Hiện nay, nhiều nội dung giao quyền cho hiệu trưởng nhưng thật sự khó cho chúng tôi. Quy định cho phép học sinh chuyển đổi môn học sau khi hết năm lớp 10 nhưng giao quyền thực hiện cho hiệu trưởng, nhưng quy định về chế độ, chính sách cho giáo viên bổ sung kiến thức cho học sinh khi có nhu cầu chuyển đổi môn học, bồi dưỡng kiến thức theo hình thức nào khiến chúng tôi lúng túng trong triển khai thực hiện”, thầy Phước Đức tâm tư.

Tin cùng chuyên mục