Qua vùng “chảo lửa” - Bài 1: Đồng khô cỏ cháy

LTS: Khúc ruột miền Trung của đất nước đang gồng mình chống chọi cơn “đại hạn” nặng nhất trong hàng chục năm qua. Nắng nóng khốc liệt làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, ruộng đồng nứt nẻ, cây cối khô quắp, rừng cháy nhiều nơi… 

Có mặt tại các tỉnh miền Trung trong những ngày này, các phóng viên Báo SGGP không khỏi chạnh lòng, khi nắng nóng và gió Lào đang thổi cháy da cháy thịt người dân miền Trung. Thương người nông dân nghèo, thương cả đàn trâu già nhai cỏ khô! 

Qua vùng “chảo lửa” - Bài 1: Đồng khô cỏ cháy ảnh 1 Đồng ruộng khô nứt nẻ ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Gió Lào thổi ràn rạt, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế nhiệt kế luôn kịch kim 41-42°C. Nắng nóng khốc liệt khiến ruộng đồng cháy khô, nguy cơ thất bát mùa màng như câu ca của nhạc sĩ Phạm Đình Chương: “Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi. Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn”. 
Làng quê bơ phờ 
Qua nhiều vùng quê tỉnh Nghệ An trong những ngày này, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng những làng quê và người dân nơi đây bơ phờ dưới nắng. Bên rặng tre, gặp một nhóm bà con xóm 3 xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên, Nghệ An đang tránh nắng, chúng tôi hỏi chuyện: “Các bác ra đồng cứu lúa ạ?”. Mấy người cười ồ rồi bảo: “Ra chết cháy với lúa à. Nước mô cứu lúa?”. Gió Lào thổi rát mặt. Mùi đất từ cánh đồng khô cháy phía trước xộc vào mũi. Cả cánh đồng rộng mênh mông nhưng khô trắng, nứt toác, xơ xác cả những gốc rạ. Ông Trần Quang Đông chia sẻ: “Chưa có năm nào mà nắng nóng kéo dài khủng khiếp như ri”. 
Qua vùng “chảo lửa” - Bài 1: Đồng khô cỏ cháy ảnh 2 Lão nông Trần Thủ đi mót cỏ cho bò. Ảnh: MINH PHONG
Ở vùng núi Hương Khê (Hà Tĩnh), nơi ghi dấu phong trào Cần Vương, với sự lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng - cái nắng quay quắt dội xuống ràn rạt. Đang tránh nóng tại lùm cây ven đường, ông Nguyễn Khắc Tuế (87 tuổi, ở xóm 5, xã Hương Thủy), cho biết, trước đây đã xuất hiện các đợt nắng nóng, khô hạn kết hợp với gió Lào, nhưng diễn ra ngắn hơn. Còn đợt nắng nóng quay quắt này kéo dài quá lâu, hơn tháng trời, không một hạt mưa, khiến cuộc sống người nông dân lam lũ cũng không chịu đựng nổi, nó như đốt cháy da thịt cả người dân, cỏ cây và thú vật.
Tại thị trấn Đồng Lê (Tuyên Hóa, Quảng Bình), chịu trận trước những trận gió Lào cấp 8, ông Trần Mọp nói: “Chú biết không? Hơn 30 ngày gió Lào, mấy chục năm không có đợt gió Lào mô kéo dài và lớn như năm nay. Nhiệt độ cứ kéo lên 42°C. Từ sáng sớm đến chiều tối, không khí đặc quánh, người lớn thì hổn hển hít từng chút không khí, bọn con nít thì há mồm thở trong cái nóng như xắn từng lát, tội lắm”. Trên cao nguyên Quy Đạt (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), ông Cao Văn Sòng, Chủ tịch UBND xã Trung Hóa, nói: “Dân đây hạn nặng, thuê người ta về làm giếng khoan mỗi cái 25 triệu đồng, mà khoan sâu đến 40m nhưng vẫn không có nước. Nhà tui khoan lỗ thứ 4 mới có nước. Nhà nào thiếu nước phải mua mỗi khối 120.000 đồng”.
Ruộng vườn khô cháy 
Xuyên qua chảo lửa miền Trung, đến và sống với bà con trong những ngày cuối tháng 6 này, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh những ruộng bắp, đậu, lúa… bị cháy khô. Anh Hồ Phin ở xã rẻo cao Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), nói như khóc: “Lúa rẫy bị nắng nóng thiêu cháy hết rồi. Vụ này mất trắng, chắc thiếu đói thôi”. Vào sâu trong xóm 6 (xã Hương Thủy, Hương Khê, Hà Tĩnh), chúng tôi gặp bà Trần Thị Nhiệm (65 tuổi) đang tốc lực cứu vườn bưởi Phúc Trạch 100 gốc. Bà Nhiệm than: “Tui phải vô rừng chặt lá cây dây leo về phủ quanh trăm gốc bưởi mà giữ ẩm, chứ nắng “cướp” sạch nước khiến bưởi còi cọc, héo úa. Trăm gốc bưởi này là hy vọng thoát nghèo nhưng chừ nắng nóng đỉnh điểm thế này sợ bị chết lắm”. 
Trên cánh đồng xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), ban trưa không một bóng người, chỉ xa xa trong tầm mắt có mấy con trâu, bò gặm những bụi cỏ cháy khô trên đồng ruộng nứt nẻ.
Qua vùng “chảo lửa” - Bài 1: Đồng khô cỏ cháy ảnh 3 Hàng trăm hécta sen sắp thu hoạch tại Thừa Thiên-Huế bị chết bất thường, được xác định là do nắng nóng, ô nhiễm môi trường... Ảnh: VĂN THẮNG
Chủ tịch xã Quảng Lưu Hồ Thăng Long chạy xe máy thăm đồng hét lên giữa tiếng rít của gió Lào: “Anh biết không, xã tui có 295ha, nhưng vụ này chỉ làm cầm chừng 51ha, còn lại nứt nẻ mặt ruộng, tang thương mặt đất”. Khoảng 3 giờ chiều 29-6, chúng tôi gặp lão nông Trần Thủ (xã Quảng Lưu) vừa mới ra đồng. Hỏi chuyện, ông kể: “Nhà tui nuôi 7 con bò, lo cho chúng cái ăn là bở hơi tai. Năm nay 76 tuổi rồi, tui phải ngày 2 bữa đi cắt cỏ cho bò, chứ thả giữa đồng khô cỏ cháy, chúng kiếm ăn không đủ. Cỏ cháy sạch chỉ còn lún phún mấy phân giữa đường ruộng cũng phải đi mót cho chúng. Đã thế phải kiếm nước cho cả 7 con cũng là một vấn đề”. 
Cùng nỗi niềm, ông Trần Quang Đông than trong cái nắng khét lẹt: “Không những lúa mà cỏ cũng chết cháy. Trâu bò ra đồng không có cái mà ăn nên ốm trơ xương. Nếu nắng nóng cứ kéo dài thì chắc phải bán chúng đi thôi. Mà bán lúc này thì bà con chúng tôi bị thiệt lắm, do trâu bò chỉ còn da với xương”.
Kiệt sức bởi “giặc lửa”
Chịu cảnh nắng nóng, đại hạn đã đành, người dân nhiều nơi ở miền Trung trong những ngày qua còn bị vây bởi rừng bị cháy. Ông Nguyễn Văn Nghi (ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vừa nói vừa thở dốc: “Nắng nóng đã khiếp đảm, giờ giặc lửa nó bùng phát trên rừng thì sao chịu thấu. Đám cháy ở rừng thông vào 3 giờ sáng 29-6, cả ngàn người gồm kiểm lâm, công an, quân đội, người dân lao vào chữa cháy. Vì đám cháy từ xã Xuân Hồng lan qua Xuân An (huyện Nghi Xuân), nơi này có đến 3 cửa hàng xăng dầu, may mà chính quyền báo động sớm, di dời dân trong đêm, chứ đi muộn, dập lửa dập không kịp thì 3 cái cửa hàng xăng dầu ấy như 3 kho bom, nó phát nổ thì tai họa khôn lường’’. 
Tại Thừa Thiên - Huế, trong chiều 28-6, 4 địa phương gồm: phường Hương Hồ (thị xã Hương Trà), phường Thủy Phương, Thủy Châu và xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy), lửa đã thiêu rụi hàng trăm hécta rừng. Trực tiếp chỉ đạo công tác dập lửa tại vụ cháy hơn 30ha rừng thông và keo tràm của HTX Hương Hồ (thị xã Hương Trà), Đại tá Nguyễn Quốc Đoàn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu cắt cử lực lượng nhanh chóng phối hợp với địa phương di dời khẩn cấp 19 hộ dân và tài sản ở khu vực giáp ranh đám cháy đến nơi trú ẩn an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, cho biết, hiện 5 điểm cháy lớn tại các cánh rừng trên địa bàn đã cơ bản khống chế. Tuy nhiên, nắng nóng gay gắt như hiện nay thì rất dễ xảy ra những vụ cháy rừng tiếp theo. Người dân đã được cảnh báo sẵn sàng di tản khi có cháy rừng xảy ra.
“Nắng nóng quay quắt gần như vắt kiệt sức của người dân trong những ngày qua, giờ lại phải trắng đêm canh “giặc lửa” thì sao mà chịu nổi”, bà Hương thổ lộ.

Tin cùng chuyên mục