Qua sông đón tết

Tết năm nào ngoại cũng đứng ngồi không yên, nhấp nha nhấp nhổm chỉ chờ đến ngày 23 tháng chạp là vội vàng cắp nón vừa đi vừa dặn dò vợ chồng cậu mợ. Ngoại ra vẻ quan trọng lắm, nhưng nhiều khi cậu mợ để ngoài tai chỉ vì có mấy chuyện lặt vặt mà ngoại cứ dặn đi dặn lại dễ chừng cả chục lần.
Qua sông đón tết

Ngoại dặn dựng cây nêu trừ tà, lúc nấu bánh chưng nhớ nhặt than to để dành nướng chả vì tụi nhỏ thích ăn. Đứng ở giữa sân, ngoại dặn phải quét vôi lại tường rào, che chắn lại chuồng trại để vật nuôi ấm áp trong gió tết. Ra đến cổng, ngoại dặn thêm: “Con gà trống buộc chân dùng để cúng giao thừa. Nhớ để dành ít thịt thăn làm ruốc cho bọn nhỏ…”.

Cho đến khi bóng ngoại khuất sau rặng tre, có khi lời nói vẫn còn vướng vít lại đâu đó. Ngoại tất tả xách làn ra bến đò, chân cũng biết vui mừng líu ríu va vào nhau. Đò ngày tết đông thật đông, chuyến nào cũng lặc lè chòng chành đến sợ.

Bến đò chẳng khác gì một cái chợ nhỏ, người xách đôi bu gà, vài cuộn lá dong, ít gạo tám thơm. Người đeo toòng teng ở cổ cặp bánh chưng chắc mới nấu xong nên chạm tay còn thấy ấm. Góc này bàn luận mắm muối, thịt thà đắt rẻ ra sao. Góc kia có mấy ông ôm quất cảnh, đào phai bàn về thế cây ầm ĩ đến nhức đầu. Ngoại cũng góp vui vài ba câu chuyện, nếu có ai hỏi thể nào ngoại cũng bảo: “Tôi sang sông ăn tết với cháu con”.

Trong gia đình, ngoài lũ con nít thì chỉ có ngoại là mong tết. Mong đến mức thỉnh thoảng lại ngồi bấm ngón tay tính đếm. Cái câu “mãi sao không đến tết?” trở thành câu cửa miệng của ngoại mỗi lúc ngồi ngó đăm đăm hướng về sông. Nhiều lúc bực mình, cậu than: “Tết mệt chết người, lo toan trăm công ngàn việc, hỏi có gì vui mà sao mẹ cứ mong ngóng mãi?”. Nói là nói vậy thôi, chứ cậu thừa hiểu, ngoại đang nhớ thương dì Thắm.

Cách nhau có một con sông, vài ba câu gọi đò, ấy mà như ngàn trùng cách trở. Dì lấy chồng năm 18 tuổi, sinh 4 người con, làm ăn chăm chỉ cỡ nào cũng vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Ngoại thương dì lúc trẻ khổ trăm đường nuôi nấng các con, đến lúc chúng trưởng thành, dì lại không may bị liệt. Thành ra gần chục năm nay dì không về quê được, sợ dì buồn nên tết nào ngoại cũng sang đó cho vui. 

Con sông Hồng như dải lụa thắt thẻo chia cách đôi bờ. Đứng ở bên này còn nhìn thấy con đường chạy xuyên qua trước nhà dì. Nên mỗi tối ngó bên đó đèn điện sáng trưng là tôi lại nghĩ nhà dì đang ấm lắm. Một ngọn khói tết mỏng manh cũng đủ hình dung ra dáng ngoại đang ngồi nhóm lửa nấu cho dì những bữa cơm ngon. Các con dì, người thì đi xuất khẩu lao động, người làm ca kíp nên thành ra tết vắng vẻ. Dì nằm một chỗ ít nói cười, chú khuấy động một mình mãi rồi cũng chán. Có thêm ngoại là mâm cơm thêm vui, ba con người như ba ngọn lửa nhỏ sum vầy.

Nghe nói sau tết người ta sẽ xây cầu qua sông. Ngoại sẽ không còn phải sợ những cơn chòng chành đò ngang. Cậu nói cứ có cầu là có người chở ngoại vèo một cái sang sông, chả phải ngồi bên này thương nhớ bên kia nữa. Tôi nghĩ xa hơn về những cái tết sau này, rất có thể đại gia đình sẽ được ăn tết cùng nhau. Có cầu rồi sẽ chở dì về thăm quê, thăm gốc đào ngoài vườn năm nào cũng dùng dằng nở muộn chờ dì.

Ấy thế mà tôi lại thấy tiếc khi không còn được nhìn thấy hai bàn chân ngoại líu ríu va nhau lúc vội xuống bến đò…

Tin cùng chuyên mục