Phương Nga và Thùy Dung được tại ngoại

16 giờ 10 hôm nay 29-6, chủ tọa công bố Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với hai bị cáo Trương Hồ Phương Nga, Nguyễn Đức Thùy Dung.
Bị cáo Trương Hồ Phương Nga
Bị cáo Trương Hồ Phương Nga
Theo đó, theo đề xuất của HĐXX, xét thấy không cần thiết tiếp tục biện pháp tạm giam nên TAND TPHCM quyết định áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Khi chưa được sự đồng ý của HĐXX, hai bị cáo này không được đi khỏi phạm vi nơi cư trú.
Chủ tọa phiên toà cũng công bố Quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện KSND TPHCM để điều tra bổ sung.
>> Audio Chủ tọa công bố quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung
Chiều 28-6, theo luật sự Nguyễn Văn Quynh, các luật sư bào chữa cho bị cáo Phương Nga đã gửi đơn kiến nghị khẩn đến TAND TPHCM và HĐXX, đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo Phương Nga.

Các luật sư cho rằng, theo các thông tin được xét hỏi tại tòa cho thấy vụ án có dấu hiệu oan sai. Đến nay, bị cáo Phương Nga đã bị tạm giam 2 năm 3 tháng (từ ngày 19-3-2015).

Đồng thời, các luật sư kiến nghị HĐXX thay thế biện pháp “tạm giam” bằng biện pháp “cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với bị cáo này, nếu xét thấy cần thiết.

Ngoài ra, các luật sư cũng đề nghị tòa áp dụng biện pháp bảo vệ người làm chứng Lữ Minh Nghĩa, Nguyễn Văn Yên và Hồ Mai Phương (mẹ bị cáo Phương Nga); đề nghị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Mai Phương.

* Diễn biến phiên buổi sáng

Sau một ngày nghỉ, sáng 29-6, phiên xử sơ thẩm vụ hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (sinh năm 1987, ngụ Hà Nội) cùng đồng phạm bị truy tố về tội lừa đảo tiếp tục.
* Trả lời câu hỏi của luật sư về việc nhờ người giúp việc làm giả con dấu để đóng vào giấy tờ, bị cáo Trương Hồ Phương Nga cho biết làm theo chỉ đạo của bà Nguyễn Mai Phương.

* Đối với lời khai của ông Lữ Minh Nghĩa về việc mình từng gây áp lực tinh thần cho ông Nghĩa, trả lời câu hỏi luật sư đặt ra, ông Cao Toàn Mỹ khẳng định hoàn toàn không có khả năng này.

Ông Mỹ trả lời sau khi CQĐT khởi tố và bắt giam Phương Nga thì ông Nghĩa có tiếp tục gặp ông để dàn xếp. Ông Mỹ nói, ông Nghĩa là người chủ động cung cấp thông tin về những diễn biến tại cơ quan điều tra, những lời khai của Phương Nga... cho ông. 

Luật sư hỏi ông Cao Toàn Mỹ: - Ông Lữ Minh Nghĩa còn cung cấp thông tin gì khác?

Ông Cao Toàn Mỹ: - Ông Nghĩa chuyển lời của bạn trai cô Phương Nga "nhắc nhở", uy hiếp tinh thần tôi. Ngoài ra, ông Nghĩa khoe có một số bức thư bằng nylon chuyển từ trại tạm giam ra, nói rằng mỗi bức thư phải trả 5 triệu đồng và ông là người trực tiếp giao tiền.

- Ông nghĩ vì sao ông Nghĩa nói như vậy?

- Ông Nghĩa muốn khẳng định vai trò trong việc đứng ra dàn xếp giữa các bên.
* Về số tiền 44 triệu đồng, bị cáo Phương Nga đính chính lời khai của bị cáo Thuỳ Dung, cho biết chỉ sử dụng một phần số tiền để trả tiền nhà, phần còn lại mua vé máy bay đi du lịch với ông Mỹ.

* Được hỏi về số tiền 2,5 tỷ đồng được trả lại, ông Mỹ nói cơ quan điều tra trả lại số tiền này thu từ tài khoản của bị cáo Thùy Dung mở tại Ngân hàng BIDV; tuy nhiên, bị cáo Thuỳ Dung khai rằng đây là tiền có được do kinh doanh mỹ phẩm. Vì điều tra viên không chấp nhận lời khai này, cho rằng đây là tiền bị cáo được chia từ tiền bị cáo Phương Nga lừa của ông Mỹ nên bị cáo đành phải khai như vậy, chờ ra phiên tòa sẽ làm rõ được nguồn gốc số tiền này.

Luật sư hỏi bị cáo Thùy Dung: "Nếu bị cáo cho rằng bị ép cung, mớm cung thì tại sao bị cáo không nói với luật sư của mình trong những buổi hỏi cung có luật sư tham gia, và không khiếu nại khi quá trình điều tra kết thúc?". 
Bị cáo Dung khai: "Bị cáo bị áp lực từ cơ quan điều tra nên không thể khai đúng sự thật. Vì muốn kết thúc bị áp lực của cơ quan điều tra nên nghe theo điều tra viên".
Để làm rõ một số chi tiết, chủ tọa phiên toà hỏi bị cáo Thuỳ Dung:

- Bị cáo giải thích gì về những vấn đề liên quan đến cáo trạng quy buộc bị cáo với vai trò đồng phạm?

- Bị cáo không thực hiện những hành vi như cáo trạng quy buộc.

- Những lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra có đúng hay không?

- Từ ngày 29-9-2014 đến khi có kết luận điều tra là không chính xác.

- Trong số tiền 16,5 tỷ đồng, bị cáo tham gia từ giai đoạn nào?

- Bị cáo chỉ làm giấy biên nhận về việc nhận tiền của ông Mỹ. Giấy biên nhận ghi: "Tôi Nguyễn Đức Thùy Dung thay mặt Trương Hồ Phương Nga nhận của ông Cao Toàn Mỹ 8,5 tỷ đồng. Do không mua được nhà giùm ông Mỹ nên tôi trả lại ông Mỹ 8,5 tỷ đồng". Giấy biên nhận lập vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm 2014. 

- Thời điểm này cơ quan điều tra đã mời bị cáo lên làm việc chưa?

- Dạ chưa.

- Vì sao bị cáo làm biên nhận này?

- Phương Nga nói chị Nguyễn Mai Phương bảo phải làm giấy biên nhận trả tiền thì chị Phương mới giúp giải quyết cho các bị cáo không bị cơ quan mời lên làm việc.

Về nội dung được dư luận quan tâm là những lá thư "thông cung", chủ tọa hỏi bị cáo Thuỳ Dung:

- Những lá thư gửi ra từ trại tạm giam, giấy nylon do ai cũng cấp?

- Trong những lần mua đồ ở căn tin trại giam, đồ bỏ vào nylon nên bị cáo có được.

- Cách thức viết thư như thế nào?

- Bị cáo cắt những tờ nylon vuông vức như tờ giấy. Bị cáo lấy bàn chải, mài nhọn phần đầu để viết thư.

- Bị cáo và ông Lữ Minh Nghĩa gửi thư cho nhau như thế nào?

- Vào phiên trực của cán bộ trại giam tên Nghĩa (khoảng 5-6 giờ chiều), cán bộ Nghĩa nói chuyện và chuyển thư của Lữ Minh Nghĩa cho bị cáo thông qua lỗ thông gió nhỏ khoảng 20x20 cm. Đêm bị cáo sẽ đọc thư và viết thư hồi âm cho Nghĩa trên tờ nylon. Sáng hôm sau, cán bộ Nghĩa đến lấy thư cũng qua lỗ thông gió này.

- Việc này ngoài bị cáo ra, có ai biết hay không?

- Có phạm nhân giam chung buồng với bị cáo biết. Chẳng hạn như chị Thùy Trang vào buồng giam sau bị cáo 1 tháng, hoặc chị Nguyễn Thị Ngọc Loan là trưởng buồng giam của bị cáo.
Phương Nga và Thùy Dung được tại ngoại ảnh 1
Phương Nga và Thùy Dung được tại ngoại ảnh 2 Ông Lữ Minh Nghĩa xác định lại bức thư thông cung bị cáo Thùy Dung gửi từ trại giam ra, được ông nộp tại tòa, và ông ký xác nhận vào bao thư niêm phong
Chủ tọa công bố nội dung trong một bức thư bị cáo gửi ông Lữ Minh Nghĩa: "Khi công an đến nhà, vợ đã xoá hết phim giữa vợ và Nga" và hỏi vì sao bị cáo viết như vậy. Bị cáo Thùy Dung khai rằng do biết ông Mỹ quen biết nhiều người ở cơ quan công an, thư mình viết có thể ông sẽ đọc được nên viết như vậy để ông Mỹ và cơ quan điều tra nghĩ bị cáo có vai trò quan trọng, biết Nga giữ tiền ở đâu. Đây sẽ là điều kiện để bị cáo thỏa thuận được cho tại ngoại.
* Trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa, bà Hồ Mai Phương (mẹ bị cáo Phương Nga) cho biết trong quá trình điều tra vụ án, và không liên hệ với ai ở các cơ quan bảo vệ pháp luật để tác động đến vụ án.  Bà khai bà Nguyễn Mai Phương (bạn bị cáo Phương Nga) cho bà số điện thoại của kiểm sát viên Trần Hải Nam và nhiều lần giục bà đến gặp ông Nam. Tuy nhiên, khi gặp ông Nam, bà thấy ông lớn tuổi và là người đáng kính nên không đề cập chuyện "chạy án" theo hướng dẫn của bà Nguyễn Mai Phương mà chỉ xin giúp làm rõ vụ án. Hơn nữa, bà không dám "chạy án" vì sợ bị bắt về tội "Đưa hối lộ".
"Vậy tại sao lại có đoạn băng ghi âm trao đổi giữa bà và bà Nguyễn Mai Phương, trong đó bà nói đưa cán bộ quản giáo 50 triệu đồng?", chủ tọa phiên tòa đặt vấn đề. Bà Hồ Mai Phương trả lời: "Chị Nguyễn Mai Phương liên lạc tôi liên tục, mỗi ngày gọi 3-4 cuộc điện thoại, mỗi tuần rủ tôi đi cà phê 3-4 lần. Tôi bị cô ấy khủng bố tinh thần nhưng vì thương con nên tôi cố gắng chịu đựng. Có thể do muốn lấy lòng tin của cô ấy nên tôi nói như vậy".
* Được mời lên hỏi, ông Lữ Minh Nghĩa cho biết được bị cáo Phương Nga viết giả bản di chúc vào giữa năm 2014. Người cán bộ trại giam tên Nghĩa là do bà Nguyễn Mai Phương giới thiệu để chuyển thư của bị cáo Thùy Dung từ trại giam ra và thư của ông từ ngoài vào. Hai người gặp nhau giao - nhận thư tại quán cà phê trên đường Nguyễn Trãi hoặc ở ngoài đường (khu vực quận 1).
* Trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa, bị cáo Phương Nga khẳng định bản chất số tiền 16,5 tỷ đồng là ông Cao Toàn Mỹ cho bị cáo vì hai bên có quan hệ tình cảm. 

Trước câu hỏi tất cả tài liệu liên quan việc mua bán nhà là do ai tạo lập, bị cáo Phương Nga trả lời: một phần do bị cáo tạo lập dưới sự hướng dẫn của bà Nguyễn Mai Phương, một phần do bà Mai Phương tạo lập mang đến cho bị cáo. Về thời điểm tạo lập những giấy tờ thỏa thuận mua bán nhà, giấy biên nhận di chúc giả, giấy nhận cọc, bị cáo Phương Nga cho biết là thời điểm bị cáo giao nộp cho cơ quan điều tra.

Đối với nội dung "Thỏa thuận tình cảm" được phát tán trên mạng, bị cáo cho biết nội dung này do ông Mỹ gửi cho bị cáo trong thời gian hai người có quan hệ tình cảm. Bản cam kết chỉ có một bản, do bị cáo viết và ông Mỹ giữ. Những tài liệu này hiện không còn vì bị cáo đã xóa theo yêu cầu của bà Nguyễn Mai Phương. Thậm chí, sau đó bị cáo còn cho bà Mai Phương password của email mình để bà vào kiểm tra lại.

Theo lời bị cáo Phương Nga, những lần ông Mỹ đến nhà bị cáo, hai người giúp việc của bị cáo tên Linh và Dương Thị Nga có chứng kiến. Những lần bị cáo và ông Mỹ đi nước ngoài cùng nhau đều có làm thủ tục khai báo tại hải quan cửa khẩu sân bay; đồng thời liệt kê những khách sạn hai người ở cùng nhau tại nước ngoài như Sheraton, Park Hyatt... Thông thường ông Mỹ đặt vé máy bay trước rồi gửi thông tin chuyến bay cho bị cáo. Sau đó, bị cáo nhờ phòng vé máy bay lấy vé cho mình. Tiền vé máy bay được ông Mỹ đưa lại cho bị cáo bằng tiền mặt.

Chủ tọa hỏi bị cáo Phương Nga: - Ba thỏa thuận mua bán nhà trên đường Hùng Vương quận 5, đường Trần Não quận 2, đường Nguyễn Trãi quận 1 do ai tạo lập.

Bị cáo Phương Nga trả lời: - Chị Mai Phương làm và mang đến. Bị cáo ký vào rồi đưa lại cho chị Mai Phương.

- Trong các văn bản thỏa thuận về việc mua bán nhà và Giấy thỏa thuận liên quan việc nhận tiền, ai là người chứng kiến việc tạo lập?

- Chỉ có bị cáo và chị Mai Phương.

- Có văn bản nào được thực hiện trên máy tính để ở nhà bị cáo?

- Bị cáo nghĩ là có nhưng không nhớ rõ văn bản nào.

* Phủ nhận những lời khai của hai bị cáo Phương Nga và Thùy Dung, ông Cao Toàn Mỹ khẳng định số tiền 16,5 tỷ đồng ông chuyển cho bị cáo Phương Nga là để mua nhà vì bị cáo hứa có thể mua được nhà cho ông với giá rẻ; những thỏa thuận mua bán nhà là ông nhận trực tiếp từ bị cáo Phương Nga, còn nội dung thỏa thuận thì hai bên trao đổi với nhau qua điện thoại hoặc trực tiếp nói với nhau tại quán cà phê.

Ông Mỹ cũng cho biết ông trực tiếp đến xem căn nhà số 7 đường Nguyễn Trãi (quận 1) mà bị cáo Phương Nga hứa mua giùm ông với giá 16,5 tỷ đồng. Ông cho biết đây là một khách sạn mini có 7 tầng, chiều ngang 3,5 mét, chiều dài khoảng 20 mét. Ông cũng mô tả vị trí thang máy, quầy tiếp tân của khách sạn nhưng không nhớ vị trí thang bộ ở đâu.

* Cuối phiên xử buổi sáng, chủ tọa phiên tòa thông tin về việc để nhân chứng Nguyễn Mai Phương trả lời thẩm vấn từ phòng cách ly, theo đó bà Phương có văn bản đề nghị được cách ly. Vì quyền của người làm chứng được quy định Điều 55 Bộ luật Tố tụng Hình sự nên hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị này để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người làm chứng. 

Trong quá trình bà Mai Phương trả lời thẩm vấn, tòa có tiến hành ghi âm, ghi hình để đảm bảo tính khách quan đối với chứng cứ là lời khai của bà. Chủ tọa phiên tòa đề nghị bộ phận kỹ thuật trích dẫn hình ảnh, nội dung ghi âm, niêm phong đưa vào hồ sơ vụ án làm chứng cứ sử dụng trong quá trình tiến hành tố tụng. 

Đối với những tài liệu, chứng cứ do ông Lữ Minh Nghĩa, bà Hồ Mai Phương, các luật sư giao nộp tại phiên tòa, để đảm bảo tính khách quan, chủ tọa phiên tòa yêu cầu những người liên quan cùng đại diện luật sư bào chữa cho bị cáo Phương Nga, bị cáo Thùy Dung, ông Cao Toàn Mỹ, đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa ký xác nhận vào bao thư niêm phong.
Phương Nga và Thùy Dung được tại ngoại ảnh 3 Bà Hồ Mai Phương ký xác nhận bao thư niêm phong chứng cứ bà nộp tại tòa

Tin cùng chuyên mục