Phúc thẩm đại án 6.126 tỷ đồng: Tuyên y án bị cáo Phạm Công Danh 30 năm tù

Ngày 25-12, Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM đã tuyên bản án phúc thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt VNCB, nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - viết tắt CBBank).
Tuyên y án bị cáo Phạm Công Danh 30 năm tù
Tuyên y án bị cáo Phạm Công Danh 30 năm tù

 Hội đồng xét xử tuyên y án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) mức án 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp với bản án phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 1 thành 30 năm tù.

Hai bị cáo Trần Hiệp, Lê Đài (giám đốc hai công ty của Phạm Công Danh) có tình tiết giảm nhẹ mới nên được giảm án, chuyển từ 3 năm tù giam thành 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo đồng phạm khác trong vụ án bị tuyên y án sơ thẩm.

Đối với kháng cáo của bị cáo Danh đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét hoàn cảnh phạm tội xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của bà Hứa Thị Phấn và các cá nhân có trách nhiệm dẫn đến tình trạng thua lỗ tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (viết tắt TrustBank, tiền thân của VNCB), hội đồng xét xử không chấp nhận vì đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến thiệt hại tại VNCB. 

Tại phiên xử sơ thẩm, với nhận định khoản tiền 4.500 tỷ đồng được bị cáo Phạm Công Danh dùng từ hành vi phạm tội chuyển về VNCB nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB nhưng không được Ngân hàng Nhà nước đồng ý, Tòa án nhân dân TPHCM buộc CBBank phải trả lại số tiền này cho bị cáo Danh để bị cáo cấn trừ, khắc phục hậu quả vụ án.

CBBank kháng cáo, không đồng ý trả lại tiền. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM cũng kháng nghị cho rằng phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm không hợp lý. Theo nhận định của hội đồng xét xử, không có chứng cứ nào chứng minh bị cáo Danh đã sử dụng 4.500 tỷ đồng cho cá nhân, mà số tiền này đã được hòa vào dòng tiền chung của VNCB, sử dụng cho mục đích của VNCB. Do vậy, hội đồng xét xử tuyên bác kháng cáo, kháng nghị liên quan đến nội dung này, giữ nguyên phán quyết của Tòa án nhân dân TPHCM.

Về thu hồi tài sản để khắc phục hậu quả vụ án, Tòa án nhân dân TPHCM tuyên thu hồi hàng ngàn tỷ đồng từ những nguồn mà bị cáo Phạm Công Danh dùng hơn 6.126 tỷ đồng vay được để chi trả. Trong đó, BIDV Sở Giao dịch II phải bồi hoàn cho CBBank 1.176 tỷ đồng, BIDV chi nhánh Hải Vân trả lại cho CBBank 457 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV kháng cáo, không chấp nhận phán quyết trên. Nhận định bản án sơ thẩm buộc BIDV trả tiền cho CBBank là không đúng, hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, tuyên BIDV không phải trả 1.633 tỷ đồng cho CBBank.

Tin cùng chuyên mục