Phục hồi từ sự trỗi dậy của kinh tế số

Báo cáo kinh tế số 2021 của Google đã ghi nhận con số tăng trưởng mạnh ở các nước Đông Nam Á về xu hướng sử dụng các dịch vụ số khi đại dịch Covid-19 bắt đầu trỗi dậy mạnh mẻ. 

Có 3 động lực chính dẫn tới sự bùng phát ấn tượng này. Một là xu hướng thích ứng, tức người dân tìm thấy tính an toàn, tiện ích từ việc mua bán trực tuyến trong hoàn cảnh diễn biến của dịch bệnh. Hai là xu hướng tăng trưởng chi tiêu số, tức người dùng Internet (cũ) tiếp tục duy trì, mở rộng chi tiêu trên nền tảng dịch vụ số. 

Trong xu hướng bình thường mới, người dân sau khi tìm thấy sự hài lòng, tin cậy vào mua sắm trực tuyến đã dần tự thay đổi hành vi, hình thành thói quen sử dụng dịch vụ số.  

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có sức tăng trưởng mạnh và bền vững về kinh tế số. Thị trường có đến xấp xỉ 100 triệu dân này đã ghi nhận 99% khách hàng số mới cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ số. Người dân đồng thuận và hợp tác với Chính phủ và chính quyền các cấp trong các biện pháp ứng phó với đại dịch, do đó họ cũng nhanh chóng thích ứng một cách linh hoạt, an toàn với trạng thái xã hội bình thường mới. 

Một trong những biểu hiện đó chính là đến quý 1-2021, Việt Nam có thêm 8 triệu khách hàng số mới. Khoảng 55% trong số này đến từ khu vực không phải thành thị. Trung bình, khách hàng số Việt Nam sử dụng 8,5 dịch vụ số vào năm 2021, tăng 4 dịch vụ so với trước đại dịch. 

Báo cáo của “gã khổng lồ công nghệ” cũng chỉ ra Việt Nam có giá trị giao dịch hàng hóa dự kiến tăng từ 21 tỷ USD (năm 2021) lên 57 tỷ USD (năm 2025) và 220 tỷ USD (năm 2030), tức tăng gấp 11 lần. Từ nền kinh tế có giá trị thương mại ở mức trung bình Đông Nam Á về giá trị giao dịch hàng hóa, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế số có giá trị lớn thứ 2 Đông Nam Á vào năm 2030, chỉ xếp sau Indonesia. 

Trên nền tảng thực tiễn và dự báo triển vọng ấy, TPHCM đã xác lập và đang từng bước triển khai chiến lược phát triển kinh tế số gắn với việc hình thành trung tâm tài chính khu vực - quốc tế tại TPHCM như một động lực phát triển mới cho thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Công nghệ số vốn là một trong các trụ cột quan trọng của chiến lược phòng chống dịch cũng như quá trình phục hồi - tái thiết - phát triển của thành phố. Mà từ nó, nhiều khiếm khuyết, hạn chế của hạ tầng kỹ thuật, của dữ liệu và tích hợp dữ liệu, bảo mật, liên thông dữ liệu đã được chỉ ra và sớm có giải pháp khắc phục, kiện toàn mang tính đồng bộ hệ thống, chặt chẽ pháp lý…

Để xây dựng hệ sinh thái kinh tế số thành công, trước hết là không nên “nóng vội”, không “thành tích”, không chỉ chạy theo những mục tiêu “ngắn hạn”, bởi vì các chính sách hay chương trình của Nhà nước không thể nào “nhạy” hơn sự phản ứng, cũng như “đón đầu” của thị trường. Tư duy “chiều sâu” và “bền vững” là quan trọng, vừa tập trung vào những lĩnh vực quan trọng nhưng thị trường không ưu tiên, vừa cùng “thúc đẩy” những xu hướng, những đội ngũ “đam mê”, “hiểu biết”, “kiên định” và “cam kết’ với việc triển khai những mục tiêu bền vững trong phát triển kinh tế số của thành phố. 

Quan trọng không kém, nếu dữ liệu là “linh hồn” của công nghệ số thì công nghệ số là nguyên liệu để xây dựng một “thành phố thông minh” mà ý nghĩa thật sự của nó chính là kết nối, hỗ trợ, phục vụ, phát triển một cách thông minh, hữu ích nhất nhu cầu của con người sinh sống, làm việc trong thành phố ấy. “Năng lực” kết nối nguồn lực từ doanh nghiệp đến chính quyền không phải là mệnh lệnh hành chính (hay chính trị); đó là mối quan hệ đối tác hàng ngang mà mỗi bên đều cảm thấy chia sẻ các lợi ích, mục tiêu, thậm chí cả một tầm nhìn về sự phát triển của xã hội dựa vào “chuyển đổi số” trong hoàn cảnh đại dịch, bước vào thời kỳ hậu đại dịch - bình thường mới.

Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đang hội đủ các lợi thế từ “cú kích hoạt” miễn cưỡng này. Từ những “mạch nước ngầm, âm ỉ” nay trở thành “dòng chủ lưu” khi các điều kiện và yếu tố đảm bảo sự bùng nổ của các ngành dịch vụ và kinh doanh dựa trên nền tảng số đang hội tụ. Đi xa tới đâu, mức độ bền vững như thế nào, và sự lan tỏa mạnh mẽ khắp xã hội ra sao đòi hỏi sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm, từ việc hình thành các thiết kế tổng thể, đến vạch ra chương trình hành động chi tiết của những người trong cuộc. Đó không chỉ là nhà hoạch định chính sách, mà còn là các chủ thể doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp, và từng công dân đang trải nghiệm xu thế diễn ra mỗi ngày của thành phố.

Tin cùng chuyên mục