Phục hồi quý 1 - Tăng tốc quý 2: Điểm sáng không gian cho cộng đồng

Sự trở lại của nhịp sống năng động ở TPHCM sau một thời gian dài chống dịch, cùng nhiều công trình gắn kết người dân với không gian chung của đô thị như một cách nhận diện thương hiệu cho thành phố từ mạch nguồn văn hóa và hài hòa trong nhịp đập thị thành. Đó là những gì cảm nhận được qua những hoạt động văn hóa - xã hội của thành phố suốt 3 tháng qua.
Công viên bến Bạch Đằng cùng với công viên Mê Linh là điểm nhấn đặc biệt bên bờ sông Sài Gòn tại trung tâm TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Công viên bến Bạch Đằng cùng với công viên Mê Linh là điểm nhấn đặc biệt bên bờ sông Sài Gòn tại trung tâm TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

“Trên bến dưới thuyền” trong hình thái mới

Hơn 16 giờ, tại công viên Bến Bạch Đằng, ê kíp chụp ảnh cưới vội vàng bắt lại những khoảnh khắc đẹp cho cô dâu, chú rể. “Mặc dù công viên mới đi vào hoạt động nhưng khi tư vấn địa điểm chụp hình cưới trong thành phố, nhiều cô dâu, chú rể thích nơi này. Mình không di chuyển xa, tiết kiệm chi phí mà cảnh quan ở đây lên hình rất hiện đại”, anh thợ chụp hình Đào Tuấn Huy, ngụ quận Bình Thạnh, chia sẻ.

Chụp khá nhiều hình từ bờ sông Sài Gòn phía TP Thủ Đức nhìn về quận 1 và bây giờ, ghi lại khoảnh khắc sáng sớm và buổi chiều từ phía quận 1 nhìn sang bên kia sông, anh Nguyễn Phước Vương (27 tuổi, nhân viên y tế) cho biết: “Sau giờ làm, tôi thích lang thang chụp ảnh. Cảnh trong thành phố mình, chịu khó đi sẽ có những góc nhỏ thú vị. Không cần đợi đến chợ hoa tết ở Bến Bình Đông, quận 8, ở đây cũng trên bến là công viên, dưới thuyền là tuyến buýt đường sông, đi buổi chiều ngắm hoàng hôn sông Sài Gòn cũng rất hay”.

Đúng như nhiều chuyên gia nhìn nhận, đô thị TPHCM khởi nguồn từ sông nước, nên cụm từ “trên bến dưới thuyền” không chỉ nhắc về chợ hoa Bến Bình Đông (quận 8). Theo đặc thù địa lý, các con sông, rạch… uốn mình mềm mại theo tiến trình phát triển của đô thị. “Di sản đô thị sông nước” với cụm từ “trên bến dưới thuyền” ngày càng thu hút sự quan tâm của người trẻ từ những không gian, cảnh quan ven sông… Không gian như thế kết nối người dân và cảnh quan thành phố nhiều hơn. “Tôi nghĩ việc có công viên cạnh sông sẽ làm giảm ô nhiễm nguồn nước, thúc đẩy người dân ý thức bảo vệ cảnh quan ven sông để giữ lấy một điểm dạo chơi, một nơi check-in khá là xịn sò không thua gì nước ngoài”, Phước Vương chia sẻ thêm.

Anh Phan Bá Lộc (26 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông) bày tỏ: “Tôi nghĩ, tiêu chí công viên hiện nay nên thoáng mát, sạch sẽ. Để ra chất một công viên hiện đại, phát triển, chúng ta nên bổ sung những dịch vụ và trải nghiệm hiện đại khác, như nơi để giải trí, check-in chụp ảnh, các biểu tượng thành phố và cả quy hoạch chỗ gửi xe”.

Nâng tầm và chắp cánh

Theo nhịp đập của thành phố trẻ, các hoạt động văn hóa cũng sôi nổi và đặc trưng. Trong những năm gần đây, khi thẩm mỹ cộng đồng nâng cao, đã đặt ra nhiều câu hỏi cho không gian để chắp cánh và tương tác nghệ thuật ở thành phố.

3 tháng qua, sự trở lại của các hoạt động văn hóa, xã hội sau thời gian chống dịch Covid-19 ở TPHCM, những sự kiện tương tác giữa người dân với không gian công cộng trong thành phố ngày càng nhiều. Chương trình “Nghệ thuật đường phố” diễn ra tại 257 Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình, cùng dịp cả nước đón du khách quốc tế trở lại, đã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. 

Phục hồi quý 1 - Tăng tốc quý 2: Điểm sáng không gian cho cộng đồng ảnh 1 Nguồn: Cục Thống kê TPHCM
Chính với những không gian công cộng này, việc nhận diện thương hiệu cho thành phố từ những đặc trưng văn hóa của mạch nguồn di sản là giải pháp thiết thực. GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, từng bày tỏ: TPHCM là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, nghệ thuật và thành phố của chúng ta đã xây dựng đề án Chiến lược phát triển ngành văn hóa thành phố đến năm 2030; đồng thời tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh đầu tư các công trình văn hóa, thể thao tiêu biểu mang tầm khu vực, tương xứng vai trò, vị trí của một đô thị đặc biệt… Việc xây dựng không gian công cộng gắn với bản sắc thành phố không chỉ là nhận diện thương hiệu mà còn là công trình công cộng gắn với lợi ích của người dân. Điều này sẽ thúc đẩy kinh tế dịch vụ phát triển. Ví dụ, một con đường bích họa đi kèm những dịch vụ như bán quà lưu niệm, không gian cà phê, giải khát… để thu hút khách tham quan và sự tham gia của người dân xung quanh. Đây cũng là cách để người dân tự ý thức bảo vệ cảnh quan”.

Những nỗ lực trên đã mở ra bờ biên mới cho sự sáng tạo trong nghệ thuật đường phố, công cộng. Sự trình diễn đó cần tất cả cộng đồng cùng tham dự, nghệ sĩ vẽ nên tranh, truyền thông lan tỏa và cộng đồng dân cư chấp nhận hóa mình vào khuôn diện mới của nơi họ sống. Sự xuất hiện của các không gian công cộng luôn là tấm gương phản ánh đời sống tinh thần, tạo thương hiệu riêng giàu bản sắc cho thành phố.

PGS-TS NGUYỄN NGỌC THƠ, Trưởng khoa Văn hóa học Đại học KHXH-NV TPHCM


Kỳ vọng phục dựng nét đặc trưng “trên bến dưới thuyền”

Việc chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng của UBND TPHCM nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng, đã mở ra những không gian và động lực mới cho sứ mệnh phát triển kinh tế di sản gắn với những dòng sông. Đây có thể nói là “dấu ấn văn hóa - xã hội” đáng chú ý của thành phố trong những tháng đầu năm 2022.

Để có một bức tranh cụ thể và mang tính hệ thống về nguồn lực di sản sông nước TPHCM và các địa phương lân cận, chúng ta cần có một kế hoạch khảo sát, nghiên cứu có quy mô, trong đó việc nhận diện giá trị, tiềm năng những dòng sông phải gắn liền với ý thức gìn giữ, tôn tạo giá trị nguồn tài nguyên quý giá này. Chúng ta cần có cách tiếp cận liên ngành trong khảo sát - nghiên cứu, phải kết hợp đầy đủ các góc nhìn sinh thái học, khảo cổ học, văn hóa học, sử học, du lịch học, kinh tế học và đô thị học, bên cạnh so sánh - đối chiếu và học hỏi kinh nghiệm của khu vực Đông Nam Á và thế giới trong cùng lĩnh vực.

                                                            QUÂN CÁT ghi

Tin cùng chuyên mục