Phục hồi kinh tế: Lạc quan và thận trọng

Đại dịch Covid-19 đã đẩy các nền kinh tế trên thế giới trải qua một năm khủng hoảng. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế toàn cầu dường như đang sáng dần trở lại khi rất nhiều tín hiệu lạc quan đồng loạt xuất hiện.
Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ được kỳ vọng tăng mạnh
Chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ được kỳ vọng tăng mạnh

Triển vọng

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu (tăng 5,6% trong năm nay), cao hơn 1,4% so với dự báo được đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. Nhà kinh tế trưởng của OECD Laurence Boone dự báo sự phục hồi của nền kinh tế thế giới chủ yếu nhờ việc các nước triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cùng gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Với gói cứu trợ lịch sử này, OECD dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, cao hơn 3,3% so với dự báo. Gói kích thích này được dự đoán mang lại hiệu quả tích cực đối với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại lớn, bao gồm Hàn Quốc và Canada. Theo dự báo của OECD, nền kinh tế xứ sở kim chi đang “lội ngược dòng” từ mức tăng trưởng -1% trong năm 2020 lên mức 3% trong năm 2021, vượt qua quy mô GDP thực tế như trước khi Covid-19 bùng phát ở nước này.

Tương tự, OECD đã nâng dự báo về tốc độ tăng GDP của Canada trong năm 2021 thêm 1,2% so với dự báo, lên 4,7%. Ước tính nền kinh tế Canada sẽ tăng trưởng 4% vào năm 2022, cao hơn 2% so với con số đưa ra trước đó. Giới quan sát cho rằng Canada được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ vì một phần vốn trong đó sẽ chảy vào nền kinh tế Canada. Canada và Mỹ có chung đường biên giới dài nhất thế giới, với lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 2,7 tỷ CAD (2,15 tỷ USD) giao dịch mỗi ngày. Thậm chí, tác động lan tỏa còn có lợi cho nền kinh tế khác là Mexico.

Đối với Eurozone, OECD dự báo nền kinh tế khu vực này sẽ tăng trưởng 3,9% trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng ở các nước có phần chậm.

Tăng tốc ứng phó khủng hoảng

Ngày 11-3, Chính phủ Australia tung ra gói hỗ trợ ngành du lịch trị giá 1,2 tỷ AUD (khoảng 928 triệu USD), hướng tới thúc đẩy du lịch trong nước trong bối cảnh các tuyến đi quốc tế vẫn đóng cửa vì dịch Covid-19. Theo gói cứu trợ, chính phủ sẽ hỗ trợ nửa giá vé máy bay trên một số chặng bay nội địa nhằm khuyến khích người dân đi du lịch trong dịp lễ Phục sinh và kỳ nghỉ đông sắp tới. Chính phủ Australia còn cam kết cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong ngành du lịch các khoản vay ưu đãi tối đa là 5 triệu AUD với thời hạn vay lên tới 10 năm.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Canada đã quyết định duy trì tốc độ mua trái phiếu chính phủ và giữ lãi suất chủ chốt ở mức cực thấp 0,25%, cho dù nền kinh tế đang “nóng” nhanh hơn dự kiến. Ngân hàng Trung ương Canada nhấn mạnh, khả năng từ nay đến năm 2023 sẽ không tăng lãi suất và cho biết sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ trị giá 4 tỷ CAD (3,17 tỷ USD) mỗi tuần trong khuôn khổ chương trình nới lỏng định lượng “cho đến khi quá trình phục hồi diễn ra tốt đẹp”.

Tuy nhiên, OECD lưu ý các dấu hiệu ngày càng hiện rõ về mức độ không đồng đều giữa các quốc gia khi một số nước triển khai chương trình tiêm chủng nhanh hơn, trong khi các nước khác áp dụng các biện pháp hạn chế chống dịch. Hiện mới chỉ có 4 quốc gia thành viên OECD (gồm Mỹ, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc) được dự báo sẽ phục hồi quy mô kinh tế như thời điểm trước khi xuất hiện dịch Covid-19. OECD cũng kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ các nước nghèo hơn được tiếp cận vaccine Covid-19.

Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions dự báo kinh tế Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng trung bình 6,5%/năm trong 10 năm tới. Fitch cho biết, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết gần đây sẽ giúp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường ở nước ngoài và tránh lệ thuộc quá nhiều vào một đối tác thương mại duy nhất. Các nhà kinh tế của Bank of America cũng dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 với mức 9,3%, cao hơn dự báo của Ngân hàng Thế giới.

Tin cùng chuyên mục