Phú Quốc cố gắng thu gom, xử lý 150 tấn rác thải mỗi ngày

Gần 10 năm nay, tại TP Phú Quốc, nhà máy rác không hoạt động được trong khi quy hoạch đã có, đất sạch cũng đã bố trí... là do loại rác không phù hợp với loại máy xử lý rác.
Người dân Phú Quốc tự nguyện nhặt rác tại bãi biển gần cửa sông Dương Đông. Ảnh: QUỐC BÌNH
Người dân Phú Quốc tự nguyện nhặt rác tại bãi biển gần cửa sông Dương Đông. Ảnh: QUỐC BÌNH

Lâu nay, người dân Phú Quốc khá bức xúc trong việc xử lý rác thải ở Phú Quốc. Câu chuyện rác thải trên địa bàn TP Phú Quốc hết sức cấp thiết. Bởi từ năm 2012, tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương và kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác cho Phú Quốc, nhưng đến nay chưa có dự án nào chính thức hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.

Theo báo cáo của Ban quản lý Công trình công cộng Phú Quốc, bình quân mỗi ngày trên dưới 180 tấn được tập kết về bãi rác tạm Đồng Cây Sao. Từ nay tới cuối tháng 9-2022, nhà máy rác do Công ty Minh Thuận Thành đầu tư sẽ vận hành thử trong thời gian 2 tháng với công suất dự kiến 100 tấn rác/ngày. Sau thời gian vận hành thử, nếu ổn sẽ nâng dần công suất lên, ít nhất cố gắng đáp ứng xử lý khoảng 80% lượng rác thải ra mỗi ngày trên đảo.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, việc xử lý rác thải là nỗi băn khoăn lớn nhất của lãnh đạo tỉnh, không riêng gì ở Phú Quốc mà ở các địa bàn khác. Theo ông Lâm Minh Thành, gần 10 năm nay, nhà máy rác không hoạt động được trong khi quy hoạch đã có, đất sạch cũng đã bố trí, kêu gọi các nhà đầu tư rồi nhưng cuối cùng không triển khai tốt được là do loại rác không phù hợp với loại máy xử lý rác. Rác thải ở Phú Quốc là rác hỗn hợp, trong đó có cả bê tông, sắt thép… nhưng do không được phân loại rác từ đầu nguồn nên không thể xử lý được hiệu quả.

Ông Lâm Minh Thành cho biết thêm, hiện nay có nhà đầu tư đang làm, chủ yếu là tập trung phân loại và xử lý rác trước mắt, dần dần mới tính toán tới việc đốt rác tận dụng nhiệt thải phát điện. Nhà đầu tư đang thiết kế lại 3 ống lồng khi rác chuyển về đổ vào đó để phân loại rác. Số nào phân loại được thì phân loại, số nào phải phân loại bằng tay thì tiếp tục phân loại bằng tay.

“Hiện nay chạy thử 100 tấn/ngày và nhà đầu tư cam kết nâng lên 150 tấn/ngày. Sắp tới, toàn bộ rác phát sinh mới sẽ chuyển hết về nhà máy này, vì nhà máy có công suất lên đến 250 tấn", ông Lâm Minh Thành nói.

Tin cùng chuyên mục