Phòng thủ từ gốc

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 7-6 cho biết các nhà điều tra đã thu hồi gần 64 bitcoin (khoảng 2,3 triệu USD), trong tổng số 75 bitcoin tiền chuộc mà Công ty Colonial Pipeline đã trả cho nhóm tin tặc để lấy lại quyền kiểm soát hệ thống vận chuyển nhiên liệu.  
Các bể chứa nhiên liệu của Công ty Colonial Pipeline ở Baltimore, bang Maryland, Mỹ ngày 10-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Các bể chứa nhiên liệu của Công ty Colonial Pipeline ở Baltimore, bang Maryland, Mỹ ngày 10-5-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hồi tháng 5 vừa qua, Colonial Pipeline đã buộc phải đóng toàn bộ mạng lưới sau vụ tấn công mạng bằng mã độc ransomware, được thiết kế để khóa các hệ thống bằng cách mã hóa dữ liệu và bị yêu cầu trả tiền chuộc để khôi phục quyền truy cập.

Theo báo Le Temps của Thụy Sĩ, việc làm tê liệt đường ống dẫn tự bản thân nó đã là một sự kiện, nhưng điều đó chẳng là gì so với thông báo trả hàng triệu USD tiền chuộc. Thành công của âm mưu chiếm đoạt này đã đẩy hành động tin tặc tống tiền sang một chiều hướng mới. Kiểu tấn công tin học này đang trở thành một nghề kinh doanh.

Không chỉ là doanh nghiệp, các vụ tấn công mạng còn nhắm vào các hệ thống bệnh viện như từng xảy ra ở Pháp, Ireland… Dịch Covid-19 là cơ hội vàng cho tin tặc khi cách thức làm việc của con người bị thay đổi, mở ra nhiều địa bàn béo bở cho các nhóm tội phạm mạng.

Canalys, văn phòng phân tích thị trường có trụ sở ở Singapore, cho biết trong năm 2020, có khoảng 30 tỷ dữ liệu đã bị đánh cắp. Có nhiều yếu tố để giải thích cho sự bùng nổ tội phạm mạng như sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các công nghệ Internet, tăng cường chuyển các hệ thống tin học sang các nhà khai thác điện toán đám mây và hiện tượng tập trung hóa các dữ liệu. Tuy nhiên, mục tiêu mà hầu hết các cuộc tấn công mạng hiện nay nhắm tới là các dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng. Càng kết nối, con người càng dễ trở thành miếng mồi ngon của tin tặc. 

Trước tình cảnh này, chính phủ các nước phải làm gì? Thương lượng hay đáp trả? Tờ Financial Times cho rằng đây là câu hỏi không dễ có lời đáp. Bởi ngay cả Công ty FireEye của Mỹ, một trong những nhà cung cấp các giải pháp an ninh mạng lớn nhất thế giới, cũng bị tin tặc “ghé thăm”.

Bệnh viện, doanh nghiệp và thậm chí cả trụ sở cảnh sát, các cơ quan hành chính, tổ chức phi chính phủ… không ngày nào không có một cuộc tấn công tin học để tống tiền. Trong mặt trận ảo này, các nước khó mà tìm được các phương tiện để chống đỡ.

Với hoàn cảnh hiện nay, để có một lá chắn thật sự hiệu quả, ngăn chặn các cuộc tấn công của tin tặc không thể là câu chuyện một sớm, một chiều. Trước mắt, các chính phủ không còn cách nào khác là sắp xếp lại các cơ quan cảnh sát, tuyển dụng thêm kỹ sư an ninh mạng nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Tin cùng chuyên mục