Phong phú mặt hàng bảo vệ sức khỏe trước dịch nCoV

Thị trường cung ứng các mặt hàng phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra hiện khá đa dạng, bao gồm trang thiết bị y tế, trái cây tươi, thực phẩm chức năng… đủ loại. Thậm chí, người dân ngại ra đường mua hàng đã có các dịch vụ giao nhận hàng hóa tận nhà, đáp ứng nhu cầu của “Thượng đế”.
Khẩu trang, dung dịch rửa tay kháng khuẩn... được rao bán nhiều trên mạng

Giao hàng tận nhà

Ngụ quận 12, chị Mai Tuyết Ánh Ngọc cho biết, thời gian qua, 2 con nhỏ của chị được nghỉ học dài ngày, nên bà nội, bà ngoại thay nhau làm bảo mẫu cho vợ chồng chị đi làm. Chị Ánh Ngọc chia sẻ: “Do bà nội, bà ngoại không rành đường sá, cũng như lo ngại dịch bệnh nên tôi đặt hàng giao tận nhà. Từ khẩu trang xách tay đến các mặt hàng rau củ, trái cây tươi, hải sản… đều đặt mua ở cửa hàng tiện lợi, điểm bán trực tuyến mang đến. Hóa đơn trên 500.000 đồng, khu vực huyện Hóc Môn, quận 12, quận Gò Vấp được miễn phí giao hàng nên khá tiện lợi”.

Thấy vợ chật vật, mệt mỏi vì tìm mua khẩu trang, dung dịch rửa tay khô không được, anh Nguyễn Bảo Ngọc (ngụ đường Quang Trung, quận Gò Vấp) cho hay: “Mới đây, có người quen giới thiệu mua sản phẩm từ một điểm bán hàng qua mạng với giá tốt, xuất xứ rõ ràng, nên tôi thấy yên tâm. Loại khẩu trang y tế bán ngày thường khoảng 40.000 đồng/hộp, đặt mua trực tuyến có giá 60.000 - 65.000 đồng/hộp, trong khi tại một số nhà thuốc tân dược kê giá lên tới 100.000 đồng/hộp. Chưa kể, có nhà thuốc chỉ bán lẻ từ 4.000 - 7.000 đồng/chiếc khẩu trang loại thường, mà không bán nguyên hộp với lý do… sợ người mua đầu cơ”. Anh Bảo Ngọc chia sẻ thêm, có hôm anh đặt mua nhiều loại hàng nên đề nghị điểm bán giao hàng tận nhà và được miễn phí giao hàng do hóa đơn thanh toán hơn 1 triệu đồng.

Chị Thái Thùy Phan (ngụ huyện Hóc Môn) nói thẳng, mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên ra quân kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết bị y tế phòng ngừa dịch nCoV, nhưng một số điểm bán vẫn né khách, “làm giá” đủ kiểu. Dịch bệnh vô tình trở thành “miếng bánh” của những kẻ trục lợi. Chính vì thế, thay vì chấp nhận mua giá cao, chị Thùy Phan và người thân luôn tuân thủ nguyên tắc không mua các mặt hàng bị đẩy giá. Ngược lại, chị cùng nhóm bạn chung tiền để mua một thùng lớn đủ dùng cho gia đình và người thân, sau đó chia lại sản phẩm với giá gốc… “Nếu bạn bè cần, trong khi mình còn sản phẩm thì sẽ để lại, chỉ thu tiền giao nhận mà thôi, bởi mình không kinh doanh. Nếu hỗ trợ và chia sẻ được chút gì cho cộng đồng, mình sẽ làm”, chị Thùy Phan tâm sự.

Thông tin từ một số điểm kinh doanh trực tuyến cho hay, các đơn hàng đặt mua khẩu trang, dung dịch rửa tay khô, vitamin C… tăng dồn dập khoảng 1 tuần nay. Đại diện các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn TPHCM khẳng định, luôn đầy đủ các mặt hàng để cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Cá biệt có những mặt hàng thiết yếu tăng gấp 3 lần ngày thường để phục vụ khách hàng. Trong khi đó, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cũng khuyến khích các hệ thống phân phối lớn tăng cường kênh thương mại điện tử giao hàng tận nhà cho khách, nhằm hạn chế số lượng lớn người dân tụ tập đông một chỗ.

Cảnh giác hàng trôi nổi

Có một thực tế, hiện nay người tiêu dùng đặt mua hàng trực tuyến đều thông qua người thân, người quen, đồng nghĩa với việc tin tưởng nhau là chính. Tất nhiên, nhiều mặt hàng vẫn đảm bảo chất lượng vì người bán ngày càng văn minh. Tuy vậy, vẫn có những sản phẩm bị chính người mua phản ánh vì chất lượng kém, người bán chụp giựt kiếm lợi bất chấp thủ đoạn.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã phát hiện và tạm giữ hàng ngàn khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, một cửa hàng trên đường Phan Văn Khỏe (quận 5) kinh doanh 2.200 khẩu trang không có hóa đơn chứng từ, không bao bì, nhãn mác, không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng; một nhà thuốc khác trên đường Lê Văn Miến (phường Thảo Điền, quận 2) đang kinh doanh 4.450 cái khẩu trang y tế loại 4 lớp và 74 cái khẩu trang y tế 3M nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ… Cục QLTT TPHCM cho biết, đây là đợt kiểm tra thực hiện theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Tổng cục QLTT và đề nghị của Sở Y tế TPHCM về việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát và phối hợp với các lực lượng chức năng phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp trên địa bàn thành phố.

Để phòng ngừa dịch bệnh, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Hữu Vinh - Trung tâm Y học cổ truyền hiện đại Ánh An - khuyến nghị người dân nên ăn uống ở nhà, tăng cường sử dụng các loại trái cây chứa nhiều vitamin C (cam, quýt…), mang khẩu trang khi ra đường, giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng… Tóm lại, người dân cần thực hiện đầy đủ các khuyến nghị, hướng dẫn phòng tránh dịch bệnh của Bộ Y tế (thông tin này được cập nhật thường xuyên qua tin nhắn trên Zalo). “Đối với các mặt hàng như khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn… được người tiêu dùng đặt mua trên mạng, nên lưu ý đến nguồn gốc, xuất xứ, tránh mua hàng trôi nổi. Bởi nếu không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ rất khó kiểm chứng chất lượng”, ông Trần Hữu Vinh khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục