Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý phổ biến hiện nay. Điều đáng quan tâm, do lối sống hiện đại, tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Bệnh thường xảy ra ở những người làm công việc hay nghề nghiệp đòi hỏi ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động như nhân viên văn phòng, giáo viên, nhân viên bán hàng… 

Theo thống kê của các nghiên cứu dịch tễ học thế giới, khoảng 30% - 40% dân số trưởng thành mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch, nhưng hầu hết lại không biết mình bị bệnh. BS Lê Thanh Phong, Chuyên khoa Phẫu thuật mạch máu (Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết suy giãn tĩnh mạch là trường hợp máu tĩnh mạch không theo đường chảy bình thường mà trào ngược lại ngoại biên, vốn đã bị ứ huyết. Vì một số nguyên nhân nào đó sẽ dẫn tới sự hoạt động bất thường của van tĩnh mạch, gây ra dòng máu trào ngược lại gây ứ trệ, tuần hoàn máu tĩnh mạch và tăng áp lực tĩnh mạch lâu dần gây bệnh suy tĩnh mạch mạn tính. 

“Khi chúng ta đứng thẳng, máu trong tĩnh mạch phải thắng trọng lực để chảy về tim. Điều này nhờ vào lực hút từ lồng ngực qua hoạt động hít thở và sự phối hợp hài hòa của các van tĩnh mạch với nhóm cơ chi dưới. Cụ thể, khi cơ ở chân co, các van trong tĩnh mạch sẽ mở ra, máu được bơm về tim. Khi cơ ở chân thả lỏng, các van sẽ đóng lại, giúp máu không chảy ngược xuống dưới. Toàn bộ tiến trình này được gọi là bơm tĩnh mạch. Khi van bị hư, sẽ xuất hiện dòng máu chảy ngược với thông thường. Thay vì chỉ đi từ bàn chân lên tim, một phần máu sẽ theo chiều ngược lại. Hậu quả là làm ứ đọng, tăng áp lực trong tĩnh mạch, gây nên tình trạng viêm tĩnh mạch, giãn các tĩnh mạch”, BS Lê Thanh Phong cho biết.

Cũng theo BS Lê Thanh Phong, khi bị suy giãn tĩnh mạch, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức chân và những triệu chứng khó chịu như nặng chân, mỏi chân, cảm giác nóng, ngứa và co cứng hay chuột rút về đêm. Những triệu chứng này sẽ nặng hơn khi người bệnh đứng hay ngồi lâu và chỉ cải thiện khi bệnh nhân gác chân lên cao hay đi bộ. Với các triệu chứng trên, người bệnh dễ bị chẩn đoán nhầm lẫn là bệnh của xương khớp hay thần kinh ngoại biên. 

Có nhiều yếu tố dẫn đến suy giãn tĩnh mạch, như béo phì và di truyền. Các nghiên cứu cho thấy, những người có cha và mẹ cùng bị suy giãn tĩnh mạch thì nguy cơ mắc bệnh này lên đến 90%. Ngoài ra, việc thường xuyên mang giày cao gót và mặc quần áo bó sát ở phần trên cơ thể của nữ giới cũng là yếu tố nguy cơ thường gặp gây suy giãn tĩnh mạch. BS Lê Thanh Phong khuyến cáo, để tránh bị suy giãn tĩnh mạch cần thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt, như hạn chế đứng lâu hay ngồi lâu, tăng cường tập thể dục thể thao, giảm cân, không mặc quần áo bó sát, hạn chế đi giày cao gót…

Tin cùng chuyên mục