Phòng khám Trung Quốc “vẽ” bệnh, moi tiền bệnh nhân

Trong ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa IX ngày 5-12, trả lời địa biểu về việc quản lý phòng khám Trung Quốc, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, đánh giá hầu hết các phòng khám Trung Quốc có chất lượng rất kém, lại “vẽ” bệnh để moi tiền bệnh nhân.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định quản lý phòng khám Trung Quốc là một vấn đề được TPHCM rất quan tâm.

Theo thống kê, trên toàn địa bàn TPHCM có 192 phòng khám đa khoa, trong đó có 17 phòng khám Trung Quốc.

Trong những năm qua, Sở Y tế TP đã thành lập đoàn kiểm tra chất lượng của 192 phòng khám này, trong đó có các phòng khám đa khoa Trung Quốc.

Từ kết quả kiểm tra này, tháng 10-2017, Sở Y tế TP chấm điểm và chia thang bậc đối với các phòng khám. Theo đó, phòng khám Trung Quốc có chất lượng rất kém.

“Trong thang điểm 5 thì các phòng khám Trung Quốc chỉ được 1,7 điểm”, ông Bỉnh đánh giá và nhấn mạnh kết quả này đã được công khai rộng rãi trên các trang web của Sở Y tế TPHCM để người dân biết các cơ sở nào đã được thẩm định.

Phòng khám Trung Quốc “vẽ” bệnh, moi tiền bệnh nhân ảnh 1 Thanh tra Sở Y tế TPHCM kiểm tra phòng khám có bác sĩ Trung Quốc (quận Tân Bình, TPHCM). Ảnh: T.ĐẠT
Qua kiểm tra, đánh giá kết quả của Sở Y tế TP thì có 8 phòng khám tự rút, đóng cửa. Đồng thời, khi Sở Y tế TP hậu kiểm 9 phòng thì tiếp tục đóng cửa có thời hạn 4 phòng khám.

Đối với 5 phòng khám còn lại, ông Nguyễn Tấn Bỉnh còn cho biết Sở Y tế đã cắt giảm, thu hẹp phạm vi hoạt động về ngoại khoa, tai mũi họng… Đồng thời, Sở Y tế cũng xử phạt nghiêm các phòng khám.

Theo ông Bỉnh, đặc điểm của các phòng khám này là thường “vẽ bệnh” cho bệnh nhân để thu tiền bệnh nhân. Ví dụ, lần đầu chỉ thu 5 triệu đồng nhưng khi điều trị thì “vẽ tiếp, tiếp, tiếp” lên vài chục triệu. Ngành y tế đã phát hiện nên yêu cầu phải thực hiện tư vấn 1 lần và có biên bản, được sự đồng ý của bệnh nhân thì mới thực hiện khác.

“Bệnh nhân đang ở trong phòng phẫu thuật thì bác sĩ đã kê khai thêm bệnh, đe doạ bệnh nhân rằng có những bệnh này, bệnh kia rất nặng. Mà toàn bệnh khó nói, bệnh đặc biệt. Trong khi đó, nhiều trường hợp dân trí thấp, không có kiến thức y khoa nên dễ nghe theo”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh dẫn chứng và cho rằng việc công khai thông tin các phòng khám có chất lượng thấp là một trong những giải pháp quan trọng để người dân nắm bắt, né tránh.

Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế TPHCM còn cho rằng mức xử phạt đối với các cơ sở y tế có vi phạm còn thấp. Ví dụ với lỗi không ghi hồ sơ bệnh án chỉ có thể phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Do đó, Sở Y tế đã đề xuất tăng mức xử phạt đối với các phòng khám có vi phạm.

Phòng khám Trung Quốc “vẽ” bệnh, moi tiền bệnh nhân ảnh 2 Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của một phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc

Liên quan đến thắc mắc của đại biểu về công tác quản lý những người bệnh tâm thần tránh gây hại cho xã hội như vụ bảo vệ dân phố ở quận Tân Phú bị cho là bệnh tâm thần sát hại bé trai 6 tuổi gây chấn động dư luận gần đây, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhận xét, hiện nay TPHCM quản lý chặt bệnh tâm thần trên địa bàn. Theo đó, các bệnh viện TPHCM đang quản lý 17.200 bệnh nhân tâm thần, trong đó có gần 10.000 tâm thần phân liệt.

“Bệnh viện tâm thần điều trị bệnh nhân cấp tính và điều trị các giai đoạn đầu với khoảng 600 bệnh nhân ở 2 cơ sở tại bến Hàm Tử và Lê Minh Xuân”, ông Bỉnh thông tin và cho biết thêm đồng thời có hệ thống của Sở LĐ-TB-XH quản lý khoảng 2.500-3.000 bệnh nhân tâm thần không có thân nhân .

Ông Bình khẳng định hiện Sở Y tế TP luôn phối hợp với các trung tâm trên trong việc khám, chữa bệnh… Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Đức Hải ngắt lời và nêu thắc mắc đối với những bệnh nhân tâm thần không điều trị trong bệnh viện thì quản lý ra sao? “Những người này đang sống tại địa phương và điều đó gây hại cho người xung quanh thì cách quản lý như thế nào”, ông Phạm Đức Hải đặt câu hỏi.

Người đứng đầu Sở Y tế TPHCM cho rằng những bệnh nhân tâm thần có gia đình thì được quản lý như những người nghiện ma túy. Nghĩa là, gia đình sẽ quản lý và y tế 24 địa phương quản lý và cấp thuốc hằng ngày.

“Nhưng quy định của pháp luật có cho họ sinh sống bên ngoài (bệnh viện) được không?”, ông Phạm Đức Hải tiếp tục hỏi.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định những trường hợp ổn định thì mới cho về nhà, nếu không thì phải tiếp tục điều trị ở bệnh viện tâm thần.

Chưa hài lòng, ông Phạm Đức Hải truy tiếp: “Ổn thì mới cho ra ngoài? Ra ngoài mà vẫn gây tác hại thì điều đó là phải đáng suy nghĩ!”.

Giải trình, Giám đốc Sở Y tế TP tiếp tục giải thích những trường hợp đã được điều trị ổn định thì mới được cho phép về gia đình quản lý và thực hiện tái khám ở địa phương. Tuy nhiên, các gia đình có bệnh nhân tâm thần thông thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên việc tái khám không được thực hiện đầy đủ; đồng thời không được gia đình quan tâm đúng mức.

“Có thể những trường hợp không được theo dõi kỹ về uống thuốc. Do đó cần có sự phối hợp tốt ở địa phương và gia đình mới đảm bảo được các bệnh nhân tâm thần, tránh những sự cố an toàn, an ninh”, ông Nguyễn Tấn Bỉnh bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục