Phòng dịch cho tài xế xe ôm công nghệ

Sau ca dương tính lần 1 của một tài xế xe ôm công nghệ ở khu phố 7, phường Thạnh Xuân, quận 12, các tài xế xe ôm công nghệ rất lo lắng.
Phòng dịch cho tài xế xe ôm công nghệ

Ngày 19-6, Chủ tịch UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo chỉ thị này, xe taxi, xe công nghệ (ô tô dưới 9 chỗ), xe liên tỉnh và các tuyến xe buýt tạm dừng kinh doanh. Riêng xe công nghệ 2 bánh vẫn được chạy. Lực lượng giao hàng (shipper) bắt buộc phải khai báo y tế khi làm việc.
Thực tế, từ trước khi xảy ra dịch bệnh, hoạt động của xe ôm công nghệ đã khá nhộn nhịp, nhất là đội ngũ shipper. Số người gia nhập đội ngũ shipper ngày càng đông, với đủ giới tính, độ tuổi, nhất là tại các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội. Trong thời gian giãn cách xã hội, đây là dịch vụ thiết yếu để đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm, góp phần hạn chế việc đi lại của người dân.

Tuy nhiên, đội ngũ tài xế xe ôm công nghệ, nhất là shipper đang chịu nhiều thiệt thòi. Ngoài bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hay quyền lợi bình thường của người lao động mà họ chưa được đảm bảo, việc phòng dịch Covid-19 cho họ cũng bị lơ là. Sau ca dương tính lần 1 của một tài xế xe ôm công nghệ ở khu phố 7, phường Thạnh Xuân, quận 12, các tài xế xe ôm công nghệ rất lo lắng.

Theo thông tin từ Sở GTVT TPHCM, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 170.000 tài xế xe ôm công nghệ vận chuyển người, đồ ăn, hàng hóa. Đây là những người có khả năng lây nhiễm cao vì họ di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều. Thế nhưng, biện pháp phòng dịch chính của họ chỉ là khai báo y tế, giữ khoảng cách, ít giao tiếp…

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ngoài các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa đội ngũ tài xế xe ôm, shipper, người bán hàng rong, bán vé số vào diện ưu tiên tiêm vaccine là cần thiết. Bởi đây là những đối tượng giao tiếp rộng, và là nguy cơ cao nếu họ bị bỏ lại phía sau trong công tác phòng chống dịch Covid-19. 

Và thật đáng mừng là, phát biểu trong cuộc họp báo chiều 21-6, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã khẳng định, trong kế hoạch tiêm chủng vaccine lần này, ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TPHCM dự kiến thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng như: người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi… với số lượng khoảng 1 triệu người.

Mong rằng, có thêm nhiều đối tượng được tiêm vaccine, TPHCM sẽ sớm khống chế được dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục