Phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện: Bắt đầu từ vệ sinh tay

Có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn khác nhau có thể xảy ra tại bệnh viện (BV), trong đó phổ biến nhất là viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn huyết...
Các chuyên gia y tế cảnh báo, nhiễm khuẩn BV làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị. Để phòng tránh, việc vệ sinh tay được xem là “liều vaccine tự chế” hiệu quả nhất.
6,5 triệu người chết mỗi năm
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có đến 30 triệu người lớn, 3 triệu trẻ sơ sinh và 1,2 triệu trẻ em bị nhiễm khuẩn huyết. Trong đó, có 6 triệu người lớn và 500.000 trẻ sơ sinh đã tử vong.
Nhiễm khuẩn BV, đặc biệt nhiễm khuẩn huyết, được xem như một trong những mối đe dọa hàng đầu đến sự an toàn của người bệnh. Cũng theo WHO, cứ 100 người nằm viện thì có 7 người mắc thêm bệnh nhiễm trùng mới.
Nguyên nhân một phần là do nhân viên y tế chưa tuân thủ quy định về vệ sinh cá nhân (trong đó có việc rửa tay trước khi tiếp xúc với người bệnh), hoặc lây chéo từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác. 
Phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện: Bắt đầu từ vệ sinh tay ảnh 1 Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM hướng dẫn vệ sinh tay cho cán bộ nhân viên y tế và bệnh nhân
Theo các chuyên gia y tế, vấn nạn nhiễm khuẩn BV ảnh hưởng lớn tới quá trình điều trị bệnh của bệnh nhân. Có tình trạng người bệnh khi đến BV mức độ bệnh nhẹ, song do quá trình kiểm soát nhiễm khuẩn ở cơ sở y tế không tốt đã dẫn tới tình trạng bệnh nặng, thậm chí có thể tử vong.
Tuy nhiên, hiện nhiều cơ sở y tế chỉ chú trọng đến công tác khám chữa bệnh với việc đầu tư trang thiết bị hiện đại song lại thiếu quan tâm, coi nhẹ công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, trong khi đây là khâu quan trọng, quyết định việc điều trị thành công của người bệnh. 
Các nghiên cứu cho thấy, bàn tay của một người có thể mang tới 4,6 triệu mầm bệnh (tập trung số lượng lớn ở kẽ tay, kẽ móng tay) và dễ lây bệnh từ người sang người. Một số mầm bệnh có thể tồn tại trong nhiều phút, thậm chí trong nhiều giờ. Đó là các loại vi rút gây các bệnh cảm nhiễm như cảm cúm, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn da, bệnh thương hàn… Tuy nhiên, việc thực hành vệ sinh tay trong các cơ sở y tế còn nhiều hạn chế; rất ít nhân viên y tế biết rõ quy trình rửa tay.
Thay đổi nhận thức bác sĩ và bệnh nhân
Theo WHO, chỉ một động tác rửa tay sạch đã làm giảm tới 35% khả năng lây truyền vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy làm tử vong hàng triệu người mỗi năm trên thế giới. Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, nhiễm khuẩn đường hô hấp từ 19% - 45%.
Tại lễ hưởng ứng chiến dịch vệ sinh tay toàn cầu do WHO phát động với khẩu hiệu “Phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết trong chăm sóc y tế - trong tầm tay bạn”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 TPHCM, khẳng định nhiễm khuẩn BV, trong đó đặc biệt nguy hiểm là nhiễm khuẩn huyết, là một trong những mối đe dọa hàng đầu đến sự an toàn của người bệnh, tăng tỷ lệ tử vong, chi phí điều trị, thời gian nằm viện và sự đề kháng kháng sinh.
“Tất cả nhiễm khuẩn huyết liên quan chăm sóc y tế đều có thể phòng ngừa được nếu thực hiện tốt các quy trình vô khuẩn BV. Bàn tay là trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm, do đó tăng cường vệ sinh tay được đánh giá là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng thông tin. 
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng mong muốn cả nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân rất cần lưu ý vệ sinh tay đúng cách, đúng lúc khi chăm sóc người nhà của mình và người bệnh ngoại trú.
“Với nhân viên y tế, họ được yêu cầu rửa tay trước khi tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm thủ thuật vô trùng, sau khi phơi nhiễm với dịch tiết của bệnh nhân, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân và sau khi tiếp xúc vật dụng xung quanh bệnh nhân. Tương tự, người chăm sóc bệnh nhân cũng cần rửa tay trong các tình huống trên. Đối với người bệnh, cần che miệng khi ho, hắt hơi vào khăn giấy, nhằm tránh vi khuẩn phát tán xa. Không che miệng bằng bàn tay bởi bàn tay là nơi tiếp xúc nhiều với xung quanh, tăng nguy cơ phát tán bệnh. Rửa tay thường xuyên để tránh truyền bệnh cho người khác cũng như tránh lây nhiễm thêm bệnh từ bên ngoài khi cơ thể đang yếu”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.
Nhà vệ sinh BV phải sạch sẽ
Nhà vệ sinh trong BV quá bẩn không chỉ là nỗi kinh hoàng của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm thêm bệnh. Khảo sát do Tổ chức sáng kiến Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thực hiện ở 29 BV tại các tỉnh, thành trong cả nước cho thấy, nhà vệ sinh vẫn là nơi người bệnh phiền toái nhất mỗi khi nhắc đến; chỉ đạt 3,58/5 điểm - thấp nhất trong các tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh được khảo sát. 
Trước thực tế trên, tại hội nghị “Giảm thời gian chờ khám chữa bệnh, cải thiện nhà vệ sinh BV” vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay bộ đã phân loại tiêu chí nhà vệ sinh BV từ mức 1 đến mức 5, tương ứng với mức từ chất lượng rất tệ đến chất lượng sạch sẽ.
“Thời gian tới, khi đi kiểm tra chấm điểm đánh giá BV, cần coi tiêu chí nhà vệ sinh là tiêu chí đặc biệt quan trọng. BV nào vẫn còn tiêu chí nhà vệ sinh ở mức 1 - 2 thì không bao giờ được xếp loại khá”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh. 

Tin cùng chuyên mục