Phối hợp tốt để xe buýt an toàn

Việc phối hợp liên ngành giữa các lực lượng chức năng sẽ góp phần tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn cho các chuyến xe buýt trên địa bàn TPHCM.

 

               

Camera giám sát an ninh được gắn trên xe buýt sẽ góp phần đảm bảo an ninh cho hành khách Ảnh: THÀNH TRÍ
Camera giám sát an ninh được gắn trên xe buýt sẽ góp phần đảm bảo an ninh cho hành khách Ảnh: THÀNH TRÍ
Những hành tung đáng ngờ

Ngày 5-5 vừa qua, tại Bến xe Củ Chi, một nhóm thanh niên mặt mày bặm trợn bước lên xe buýt 53N-5851 chạy theo lộ trình Công viên 23 Tháng 9 - Bến xe Củ Chi, mã số tuyến 13. Nhóm thanh niên này tự xưng là đại diện của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được giao nhiệm vụ đi bán… thần dược. Không những buộc hành khách trên xe phải miễn cưỡng nghe “tư vấn”, nhóm tiếp thị bán dạo này còn có hành vi thúc ép, hăm dọa hành khách, đặc biệt nhắm vào người lớn tuổi. Không muốn phiền hà, có vài người móc tiền mua đại cho xong.

Trong khi đó trên tuyến xe buýt mã số 611 chạy lộ trình Thủ Đức - Dĩ An, lực lượng chức năng ghi nhận có nhóm đối tượng gồm 2 người chuyên giở thủ đoạn móc túi hành khách. Nhóm này thường mang túi xách, đeo khẩu trang và cầm áo khoác trên tay như công cụ che đậy hành vi trộm cắp. Nhóm đối tượng thường lên xe buýt vào thời điểm xe đông khách như các chuyến đầu tiên trong ngày, lăn bánh trong khoảng thời gian từ 4 giờ 45 - 5 giờ tại đoạn qua Tam Hiệp đến ngã tư Vũng Tàu thuộc địa bàn TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai hoặc lên tại các bến xe đầu mối.

Trên tuyến xe buýt chạy tuyến Bến xe An Sương - Suối Tiên - Đại học Quốc gia TPHCM, mã số 33, lực lượng chức năng ghi nhận một nhóm móc túi 4 tên hay xuất hiện. Nhóm này có sự phân công hành động rõ rệt. Theo đó, một tên cao khoảng 1,75m, dáng người hơi ốm, không đeo khẩu trang, mang áo khoác trên tay nhằm dễ bề che chắn cho đồng bọn ra tay móc túi hành khách. Một tên khác cao khoảng 1,7m, dáng to con, đeo khẩu trang, mặc áo khoác, có nhiệm vụ ra tay phối hợp cùng đồng bọn khi diễn tiến không như bọn chúng dự định. Tên thứ ba cao khoảng 1,6m, dáng người mập mạp, đeo khẩu trang, trên tay có cầm một túi xách với nhiệm vụ đóng vai người “tốt bụng”, sẽ mau mắn đưa điện thoại của hắn cho nạn nhân vừa phát hiện mình bị móc túi để nạn nhân này gọi vào số điện thoại của mình. Nhưng do bọn xấu cài đặt trước nên cuộc gọi của nạn nhân không bao giờ thành mà chỉ nhận được thông báo “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”. Tên cuối cùng đeo ba lô đóng giả sinh viên, có nhiệm vụ tiếp nhận những đồ vật đồng bọn lấy trộm được từ hành khách. “Phi vụ” thành công, bọn chúng lần lượt xuống xe tại trạm trước Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Trường Đại học Kinh tế Luật.

Theo phản ánh của những hành khách thường xuyên đi trên tuyến xe buýt mã số 19, chạy theo lộ trình Bến Thành - Khu chế xuất Linh Trung - Đại học Quốc gia TPHCM, họ hay bắt gặp một thanh niên đeo mắt kính đen với hành tung đáng ngờ. Bởi thanh niên này luôn xuống xe dọc đường và có một người khác đi xe máy 50SB-2571 đón sẵn chở đi. Điều trùng hợp là sau mỗi tình huống như vậy, luôn có ít nhất một hành khách nào đó trên xe buýt bị móc túi…

Toàn bộ những sự việc trên đã được ghi nhận, thu thập và chuyển đến Phòng Cảnh sát hình sự (thuộc Công an TPHCM) để phối hợp với ngành giao thông vận tải xử lý.

Tăng cường phối hợp

Thời gian qua, tình hình an ninh, an toàn trên các tuyến xe buýt phủ khắp TPHCM đã được tăng cường tốt hơn nhờ những nỗ lực của ngành giao thông. Một trong những nỗ lực đó là triển khai chương trình phối hợp liên ngành giữa Sở Giao thông Vận tải (GTVT) với Công an TPHCM. Ngay từ đầu năm 2017, Sở GTVT (đại diện là Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng - TTQLĐH - VTHKCC) đã ký kết quy chế phối hợp với Công an TPHCM (đại diện là Phòng Cảnh sát hình sự). Mục đích của sự phối hợp liên ngành này nhằm ổn định về tình hình an ninh trật tự trên các chuyến xe buýt và bến xe là điểm đầu - điểm cuối của các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm hình sự trộm cắp, móc túi, cưỡng đoạt, cướp giật… trên xe buýt; qua đó tạo niềm tin cho hành khách sử dụng phương tiện VTHKCC, góp phần kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

Từ hiệu quả của việc phối hợp với lực lượng chuyên nghiệp của Công an thành phố, gần đây, vào cuối tháng 10 vừa qua, TTQLĐH - VTHKCC tiếp tục ký kết chương trình phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở GTVT, với mong muốn phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động VTHKCC trên toàn địa bàn thành phố. Việc phối hợp giữa TTQLĐH - VTHKCC với Thanh tra Sở GTVT tập trung vào việc kiểm tra, xử lý vi phạm chiếm dụng trạm dừng chờ xe buýt; kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện hoạt động trong lĩnh vực VTHKCC; kiểm tra, xử lý vi phạm sau cấp phát kinh phí trợ giá; xử lý vi phạm về giá cước đã đăng ký và niêm yết và các nội dung khác trong hoạt động VTHKCC theo yêu cầu thực tế hoặc chỉ đạo của cấp trên.

Giám đốc TTQLĐH - VTHKCC Trần Chí Trung cho biết, hiện mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn TPHCM đang có 146 tuyến; trong đó 40 tuyến không trợ giá. Phục vụ hành khách đi lại trên 146 tuyến xe buýt này có 4.176 trạm dừng, nhà chờ. Điều đáng nói là hệ thống các trạm dừng, nhà chờ xe buýt hiện chưa phát huy hết công năng bởi tình trạng chiếm dụng của đủ loại phương tiện như xe du lịch, taxi, ô tô cá nhân, người bán hàng rong… Sự chiếm dụng ấy cách nào đó đã gây mất trật tự và an ninh tại vị trí trạm dừng, nhà chờ xe buýt, khiến hành khách đi xe buýt không còn chỗ để đứng đón xe buýt…

Ông Trần Chí Trung cho rằng, bên cạnh sự liên kết với lực lượng công an và thanh tra GTVT, hiện ngành VTHKCC thành phố cũng đang cần sự hỗ trợ, phối hợp từ các địa phương; đặc biệt trong việc giải quyết lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để phát huy công năng của nhà chờ, trạm dừng xe buýt.

Tin cùng chuyên mục