Phối hợp để thúc đẩy giải ngân vốn cho Vietnam Airlines

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, vấn đề lớn nhất của SCIC là bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, là tiền thuế của dân. Do đó, cần phải tính toán để xây dựng phương án kinh doanh 5 năm tới, tái cơ cấu nhân sự, mô hình phát triển để bảo toàn và phát triển vốn.
Phối hợp để thúc đẩy giải ngân vốn cho Vietnam Airlines

Ngày 14-1, đề cập đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết 194/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, SCIC đang phối hợp với Vietnam Airlines để thúc đẩy việc triển khai giải ngân đầu tư đảm bảo thận trọng, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật.

Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Vietnam Airlines sẽ phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với quy mô 8.000 tỷ đồng. SCIC thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua.

Theo ông Nguyễn Chí Thành, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là xác định giá phát hành và để làm được việc đó thì phải định giá Vietnam Airlines. Trong khi đó, muốn định giá được Vietnam Airlines thì phải có kế hoạch kinh doanh tối thiểu 5 năm nếu sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền. Nếu sử dụng phương pháp tài sản thì cũng phải mất 6 tháng. Đặt trong tình huống “giải cứu” thì thời gian đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, dù theo phương pháp nào thì SCIC cũng sẽ làm theo thông lệ, chuẩn mực của thị trường trên tinh thần nhanh nhất và tham khảo việc phát hành cho cổ đông chiến lược Nhật Bản trước đây của Vietnam Airlines.

Cũng theo ông Thành, vấn đề lớn nhất của SCIC là bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, là tiền thuế của dân. Do đó, cần phải tính toán để xây dựng phương án kinh doanh 5 năm tới, tái cơ cấu nhân sự, mô hình phát triển để bảo toàn và phát triển vốn.

Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của SCIC, theo Thành, SCIC sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn 2035; chủ động triển khai xây dựng báo cáo đề án chuyển đổi mô hình hoạt động SCIC thành Quỹ đầu tư Chính phủ.

Thực tiễn quốc tế cho thấy, các nước đều có quỹ đầu tư của chính phủ và với định hướng phát triển hiện nay thì nhà nước không thể không đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước và SCIC là công cụ để thực hiện điều đó.

Lý giải thêm về mục tiêu là Quỹ đầu tư của Chính phủ, ông Thành đặt vấn đề, nếu SCIC bán hết vốn nhà nước tại Vietnam Airlines thì doanh nghiệp có thể khó khăn; nếu thoái hết vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam hay Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn thì chúng ta đặt vấn đề phát triển doanh nghiệp dân tộc thế nào; trường hợp bán hết vốn tại Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam thì sẽ khó đảm bảo quyền lợi của người lao động; hay nói phát triển công nghệ số, đầu tư công nghệ số mà SCIC bán hết cổ phiếu tại FPT, FPT telecom thì sẽ ra sao? Do đó, ông Thành cho rằng, có những lĩnh vực cần thiết phải giữ thì nhà nước cũng cần giữ để hiện thực hóa các chủ trương, chính sách đặt ra.

Tuy nhiên, để chuyển đổi mô hình hoạt động, trở thành Quỹ đầu tư của Chính phủ thì sẽ phải sửa cơ chế, chính sách như Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước…

Theo SCIC, tính đến 31-12-2020, doanh thu của SCIC ước đạt 7.945 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 6.588 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.197 tỷ đồng, bằng 136% kế hoạch; nộp ngân sách nhà nước ước đạt 9.337 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với kế hoạch.

Đến hết tháng 12-2020, danh mục các doanh nghiệp do SCIC quản lý là 145 với giá trị vốn nhà nước 39.199 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 124.168 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục