Phở Việt trong lớp mẫu giáo Bỉ

Sang Bỉ định cư 4 năm, Nguyễn Thị Liên cùng lúc nhận hai tin vui: làm việc cho một văn phòng kế toán ở Heist op den Berg và được mời giới thiệu về Việt Nam cho trường mẫu giáo, nơi con gái Emma 3 tuổi đang học.
Cô Liên giới thiệu về Việt Nam với các bé mẫu giáo
Cô Liên giới thiệu về Việt Nam với các bé mẫu giáo

Lớp mẫu giáo của Emma vừa rồi có lộ trình học về các nước trên thế giới trong vòng 3 tuần. Trực quan sinh động nhất là tìm hiểu về nước nào, giáo viên sẽ tìm kiếm cha mẹ hoặc ông bà của học sinh có nguồn gốc ở nước đó đến nói chuyện. Nhưng không phải ai cũng được mời đến lớp để nói chuyện như vậy. Nguyễn Thị Liên được chọn vì theo lời cô: “Tôi đã quan sát kỹ và cảm nhận rõ mẹ Emma là người thân thiện, nhiệt tình”. Nếu tham gia, chị Liên sẽ dành nhiều thời gian đầu tư không chỉ trang phục mà còn món ăn, trò chơi... của Việt Nam để giới thiệu. Một phụ huynh gốc Thổ Nhĩ Kỳ cũng được mời, nhưng chỉ đến nói chuyện, không nấu ăn.

Có chồng và gia đình chồng là người bản xứ yêu thương giúp đỡ, nhưng Liên luôn xác định phải nỗ lực hòa nhập cuộc sống ngay ngày đầu sang Bỉ. Con đường duy nhất để đứng vững trên đôi chân mình ở xứ người là học tiếng địa phương, và phải học lại nghề. Liên vừa học tiếng Hà Lan vừa kiên trì theo đuổi khóa học kế toán tại Trung tâm Đào tạo nghề VDAB và Trường Cao đẳng Eramus.

Trong 3 năm ấy, cô vẫn tranh thủ nhận việc lau dọn văn phòng và học lái xe. Tính năng động ấy khiến người bản xứ, ví dụ như cô giáo của Emma nhận ra ngay. Còn Liên luôn tự nhủ, nếu không học và hiểu tiếng Hà Lan, cô sẽ không tìm ra cách giới thiệu về quê hương để Emma giờ đây được tự hào với bạn bè rằng bé có mẹ là người Việt Nam.

Lợi thế từ nghề kế toán cũng khiến các khâu chuẩn bị cho buổi giới thiệu về Việt Nam ở trường mẫu giáo hiệu quả hơn. Liên kể: “Cô giáo đề nghị mẹ và Emma mặc trang phục truyền thống Việt Nam. Nên tôi nghĩ giới thiệu cho các bé về món ăn, trò chơi truyền thống Việt Nam sẽ tạo thành chủ đề thống nhất. Dự kiến chuẩn bị đồ ăn cho 26 bé, nên tôi làm phở gà, trái cây và bánh ngọt có hình bản đồ Việt Nam. Đều là những món các bé dễ ăn. Tôi dành ra một buổi đi siêu thị Á và Âu, chi phí không cao nhưng được nhiều món đa dạng”.

Buổi học chủ đề về Việt Nam từ 11 giờ 30 tới 15 giờ 20. Khách mời Nguyễn Thị Liên mặc áo dài cầm theo nón lá vừa bước vào lớp đã thấy con gái Emma mặc áo bà ba đứng xếp hàng ngay ngắn cùng các bạn chờ. Vừa giới thiệu về áo dài, Liên vừa dạy các bé tập nói “Xin chào”. Bé nào cũng nói tốt. Nồi nước phở bắt đầu sôi là lúc các bé đồng thanh reo “lekker, lekker!” (thơm quá). Các bé còn muốn cô Liên mở nắp ra xem nước phở màu gì. Cô và trò đều hào hứng xem khách mời chuẩn bị tô phở như thế nào, hỏi bánh phở làm bằng gì, cần cho nguyên liệu gì vào tô. Các bé ngoan ngoãn ngồi chờ đến lượt ăn phở, có bé lo lắng “con có được ăn không?”. Có bé xin phở hai lần vì ngon quá. Ăn xong, các bé đồng thanh nói “Cảm ơn!” bằng tiếng Việt. 

Liên kể vui nhất là khi vừa mở bánh ra, thấy hình chữ S trên bánh, cô giáo hiểu ngay ý Liên. Cô đánh dấu luôn vào vị trí Việt Nam trên tấm bản đồ thế giới của lớp. Việt Nam cũng là điểm đến đầu tiên trong “chuyến đi” của các bé. Ăn bánh xong, các bé lại xem cô Liên giới thiệu trò chơi dân tộc. Cô giáo sáng kiến dùng hai cán chổi để cùng Liên dạy các bé nhảy sạp, múa nón. Emma về nhà kể rằng bé rất vui và tự hào có mẹ là người Việt Nam. Lúc cảm ơn và chia tay, cô giáo ngỏ ý sang năm lại muốn mời cô Liên đến giới thiệu tiếp về Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục