Phố vẫn hát và hoa vẫn nở

Sân khấu giữa những block nhà đang điều trị F0, người hát còn nguyên trang phục bảo hộ, khẩu trang, kính chống giọt bắn… Bên trên là những cái vẫy tay của bệnh nhân, các y, bác sĩ cũng tranh thủ vài phút nghỉ ngơi hiếm hoi để hòa nhịp. Những đêm nhạc giữa trời, khán giả từ rất xa… nhưng mọi thứ lại gần đến lạ.

Những đội tình nguyện viên hỗ trợ công tác chống dịch chia thành nhiều nhóm, kiêm luôn những việc không tên từ những điểm tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm vào các điểm phong tỏa… Và sẵn sàng tham gia bất cứ công việc nào, theo sự điều động của các địa phương đang cần nhân lực hỗ trợ. 

Sau lớp trang phục bảo hộ kín mít, họ là sinh viên, nhân viên văn phòng, tay máy chuyên nghiệp hay anh giám đốc công ty nào đó… Và họ cũng là ca sĩ, diễn viên mà nghe qua giọng nói, không cần nhìn mặt cũng có nhiều người nhận ra. Một ngày đủ công việc luân phiên, phút nghỉ ngơi của họ là tiếng hát cất cao giữa bệnh viện dã chiến, những lời ca động viên người bệnh. Hay những đêm “lên đồ” thật chỉnh tề rồi khẩu trang kín mít, họ dừng lại trước những khu cách ly, cất cao tiếng hát giữa một sân khấu đơn giản về mọi mặt, chỉ cần micro và loa đủ lớn.

Những tiếng hát lời ca động viên với một tinh thần tích cực, xen kẽ những tiết mục là phần tư vấn của đội ngũ y tế để người bệnh an tâm… Cứ thế mà tình người và sự sẻ chia vẫn luôn ở đó, nối tiếp nhau để động viên người bệnh.

Phố vẫn hát và hoa vẫn nở ảnh 1 Một đêm nhạc tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: TRỊNH HÀ

Bên cạnh những con số tích cực về những ca bệnh được chữa khỏi và xuất viện, những hình ảnh, video hát từ các bệnh viện dã chiến là những điều mang lại chút nhẹ nhõm cho nhiều người dân ở TPHCM lúc này. Người ta chợt rưng rưng nước mắt bởi một bài hát của thầy giáo 9X động viên thành phố những ngày gian nan, hàng loạt ca sĩ, nhạc sĩ và kể cả những tay văn nghệ văn gừng nghiệp dư cũng mang lại chút thơ, chút nhạc trong những ngày này để sẻ chia chút gì đó về mặt tinh thần với cộng đồng và tri ân đội ngũ tuyến đầu… 

Mỗi lời ca vang lên, mỗi vần điệu được viết ra không phải chạy theo cuộc thi hay trại sáng tác nghệ thuật thường niên, mà chính là những rung cảm của mỗi người cho mảnh đất này. Có người sinh ra và lớn lên ở thành phố, có người gọi nơi đây là quê hương thứ hai, có người chợt xót xa thương nơi này những ngày căng mình chống dịch vì bốn năm tuổi trẻ đã học hành ở đây…

Giữa những ngày dịch bệnh diễn biến căng thẳng, khó khăn đi cùng vất vả, tiếng hát vẫn cất lên từ bệnh viện dã chiến; trên mạng xã hội, người ta chia sẻ cùng nhau hình ảnh cọng rau, cọng hành vươn lên xanh mướt trên ban công hay khóm hoa vàng vàng, đỏ đỏ sớm nay vẫn rực sắc…

Lạc quan lúc này có phi thực tế hay không, câu trả lời có lẽ là lúc này không lạc quan thì đợi đến bao giờ. Trong mọi phương pháp trị bệnh, các bác sĩ vẫn hay chú trọng chăm sóc tinh thần cho bệnh nhân. Trong khó khăn, chúng ta không tìm thấy điều tích cực thì niềm tin còn biết tựa vào đâu.  

Có những ngày mà trên góc đường, con hẻm nhỏ nào ở thành phố, người ta cũng dễ dàng tìm thấy chút gì đó thật ngẫu hứng, một gã họa sĩ giữa trời nắng chang vẫn miệt mài ký họa chợ Bến Thành trên căn nhà chung cư của mình, một anh sinh viên ôm đàn nghêu ngao…

Cái chất nghệ sĩ, tình ca đó cứ len lỏi như hơi thở, như nhịp sống thường nhật. Để rồi giữa ngày khó khăn, người ta vẫn thấy đâu đó có một thị thành đang gồng mình chống dịch nhưng vẫn không quên một tinh thần lạc quan. Phố vẫn hát và hoa vẫn nở, cũng là 5K và là “vaccine” cho tinh thần trong những ngày nhiều biến động.

Tin cùng chuyên mục