Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm đạo đức

"Năm học này ngành giáo dục phát phát động phong trào thi đua trong các thầy cô. Nguyên tắc ai vi phạm thì ra khỏi ngành. Một người ra khỏi ngành là ảnh hưởng đến cả gia đình họ nhưng vì tương lai con em chúng ta, phải làm kiên quyết việc này. Cần thẳng thắn nhìn rõ, phần lớn những bất cập, tiêu cực trong giáo dục lại xuất phát từ cán bộ giáo dục, các thầy cô giáo”, Phó Thủ tướng thẳng thắng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị nhà trường, gia đình chú trọng dạy đạo đức làm người cho học sinh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị nhà trường, gia đình chú trọng dạy đạo đức làm người cho học sinh

Trưa 2-8, phát biểu kết luận hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: đổi mới giáo dục phải có lộ trình, không thể ngày một ngày hai, phải đặt trong bối cảnh thực tế. Khi có một giải pháp có thể lợi mặt này, hại mặt kia, nên chúng ta phải tính toán, cân nhắc.

“Đổi mới nhất định phải kiên định theo xu thế thế giới, không thể vì trong quá trình  đổi mới có điều này điều kia mà xa rời xu thế của thế giới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu.

Trước đó, nhiều địa phương bày tỏ lo lắng trước việc phải tinh giản biên chế giáo viên; quy hoạch trường lớp; thực trạng nhà vệ sinh trong trường học xuống cấp.. 

Theo Phó Thủ tướng, giáo dục được toàn dân quan tâm, nhân dân hiếu học, nên nhiều ý kiến góp ý, ngành giáo dục cần coi đó là điều may mắn. 

“Chính phủ chỉ đạo làm luật, nghị định, thông tư đều đưa lên mạng để lấy ý kiến, nhưng rất ít ý kiến góp ý, chỉ đến khi  thực hiện, vướng thì  mới có ý kiến góp ý. Nhưng với giáo dục lại khác, ngay từ khi đăng tải, thậm chí chưa đăng tải thì đã có nhiều ý kiến đóng góp. Các ý kiến có góc độ khác nhau, thậm chí trái ngược, nhưng mỗi ý kiến đều có lý của họ. Vì thế, ngành giáo dục cần tiếp thu có chọn lọc, những gì không tiếp thu cần có giải trình để xã hội hiểu. Không có giải pháp nào là hoàn hảo, chúng ta chọn giải pháp tối ưu nhất”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.

Ông cho biết, các vấn đề như phong GS-PGS, đổi mới thi cử… đều rất nhiều ý kiến đóng góp. “Nhiều chuyên gia cho hay chỉ khi cùng nhau thảo luận thì mới rõ vấn đề. Vì thế giáo dục phải cởi mở để tạo sự đồng thuận, tạo sức mạnh cho đổi mới”, Phó Thủ tướng nhắc Bộ GD-ĐT.

Chỉ ra trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, Phó Thủ tướng cho rằng những gì đã tốt cần phát huy, những gì thiếu sót cần cầu thị. Trước hết cần đột phá đổi mới về quản lý trong giáo dục.

Đi vào các vấn đề cụ thể, về khâu biên chế giáo viên, tuyển dụng giáo viên, hiện nay Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT rà soát báo cáo Chính phủ, cần thiết Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lâu nay, Bộ GD-ĐT không nắm được tình hình tuyển dụng giáo viên, mãi đến thời điểm này, lần đầu tiên Bộ mới có sự rà soát đội ngũ, nắm được số lượng giáo viên, nhu cầu tuyển dụng, cung-cầu ở các địa phương… Đây là cơ sở rất tốt để tiến tới việc triển khai vấn đề biên chế giáo viên, vấn đề đào tạo sư phạm theo quy hoạch. 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết ngành giáo dục hết sức thẳng thắn, cầu thị tiếp thu các ý kiến đóng góp để tới đây hoàn thiện những vấn đề còn hạn chế, thiếu sót.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu từ nay đến năm 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên.  Nghị quyết sẽ chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp. Còn tinh thần là phải đủ giáo viên để dạy. Sắp xếp trường lớp cũng phải trên điều kiện thực tế ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và gia đình, bảo đảm học sinh được học 2 buổi/ngày, bảo đảm sĩ số; giáo viên cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa - thiếu hay tinh giản. Tinh thần chung của Chính phủ là như vậy.

“Chúng ta nói giáo dục là quốc sách nhưng chưa lo đủ trường lớp, giáo viên để dạy 2 buổi/ngày cho học sinh. Phải cân đối nguồn lực để lo điều đó”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, cơ sở vật chất cần được quan tâm, trong đó có vấn đề nhà vệ sinh. Các trường đừng ngại mà giấu hiện trạng nhà vệ sinh mà nên công khai để có thể kêu gọi địa phương, cộng đồng hỗ trợ cải thiện nhà vệ sinh cho học sinh, không để học sinh phải “nhịn” vì sợ nhà vệ sinh. Nhưng muốn nhà vệ sinh sạch, nhà trường, thầy cô phải hướng dẫn học sinh giữ gìn vệ sinh.

"Nhiều nơi trường lớp khang trang nhưng trần nhà đầy mạng nhện, nhà vệ sinh buổi sáng thì sạch nhưng đến trưa là hôi thối. Chúng ta phải giáo dục học sinh, đó chính là dạy các cháu làm người”, Phó Thủ tướng dẫn chứng cụ thể.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần bảo đảm dân chủ trong trường học, giảm dần sự can thiệp, áp đặt từ chính quyền lên trường học, giáo viên. 

Với thầy cô, phải thực sự gương mẫu, không còn chuyện xin điểm - cho điểm, hơn 1 triệu giáo viên đa phần là gương mẫu nhưng vẫn còn bộ phận vi phạm đạo đức nhà giáo.

“Năm học này ngành giáo dục phát phát động phong trào thi đua trong các thầy cô. Nguyên tắc ai vi phạm thì ra khỏi ngành. Một người ra khỏi ngành là ảnh hưởng đến cả gia đình họ nhưng vì tương lai con em chúng ta, phải làm kiên quyết việc này. Cần thẳng thắn nhìn rõ, phần lớn những bất cập, tiêu cực trong giáo dục lại xuất phát từ cán bộ giáo dục, các thầy cô giáo”, Phó Thủ tướng thẳng thắn.
Về phía phụ huynh, xã hội cũng cần đồng hành với nhà trường, với ngành giáo dục để giáo dục con em.
“Vì con em mình, phụ huynh dù có điều kiện đến đâu cũng hãy động viên con em mình tham gia lao động, giữ gìn vệ sinh, cần giáo dục để các cháu biết yêu lao động, biết trân trọng người lao động”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.
“Giáo dục cần có lộ trình, dù còn nhiều hạn chế nhưng những kết quả đạt được là không thể phủ nhận, đó là công sức của toàn ngành, của hơn 1 triệu giáo viên. Cần tiếp tục kiên định giữ tinh thần đổi mới để chất lượng giáo dục ngày càng chuyển biến, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước”, Phó Thủ tướng chốt lại.

Tin cùng chuyên mục