Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Phải “tiết kiệm” bác sĩ tuyến đầu

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình biểu dương sự hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm toàn tâm, toàn lực điều trị, cứu sống bệnh nhân Covid; đồng thời đề nghị TPHCM phải đặc biệt chú ý công tác chuẩn bị, đề phòng các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chiều 31-5
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chiều 31-5

Chiều 31-5, sau khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại khu chế xuất Tân Thuận, Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã có buổi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và Sở Y tế TPHCM.

Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cùng đại diện sở, ngành thành phố.
Chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu thời bình
Báo cáo với đoàn, Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng - Tư lệnh Quân khu 7 cho biết, trên các địa bàn 9 tỉnh, thành thuộc Quân khu, đến nay đã có 565 ca mắc Covid-19 tại 7 tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng). Tính từ ngày 27-4 đến nay, địa bàn quân khu đã ghi nhận thêm 142 ca mắc mới gồm: 96 ca tại TPHCM; 1 ca tại Bình Thuận; 3 ca tại Tây Ninh; 3 ca tại Đồng Nai; 32 ca tại Bà Rịa – Vũng Tàu; 6 ca tại Long An; 1 ca tại Bình Dương. Trong đó, số ca lây nhiễm trong cộng đồng là 101 (98 ca tại TPHCM, 3 ca còn lại tại Đồng Nai, Long An, Tây Ninh).
Bên cạnh đó, Quân khu và các địa phương đã tổ chức tiếp nhận cách ly hơn 144.166 công dân, trong đó 67.172 công dân cách ly tại nhà, còn lại được cách ly ở điểm quân sự; đang điều trị 83 ca, không có ca tử vong. Riêng từ ngày 27-4 đến ngày 28-5, địa bàn quân khu có 5.262 công dân từ nước ngoài về phải cách ly tập trung, trong đó 4.480 công dân nhập cảnh về sân bay Tân Sơn Nhất, 358 công dân được tiếp nhận ở cảng biển, 351 công dân tại các cửa khẩu đường bộ; có 73 người nhập cảnh trái phép.
Quân khu 7 đã tập trung quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, kích hoạt lại các hoạt động đặc biệt là các đơn vị nơi tuyến đầu chống dịch, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “chống dịch như chống giặc”, “nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ chiến đấu thời bình”. Ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm, nhất là công dân từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, truy vết phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly kịp thời các trường hợp nghi mắc, tuân thủ các nguyên tắc “5K” của Bộ Y tế.
Quân khu 7 dự báo trên địa bàn khi dịch ở cấp độ 5, chuẩn bị 302 điểm cách ly cho 82.513 người (48 điểm quân sự với 12.925 người, 254 điểm dân sự với 69.588 người), trong đó xác định trọng điểm là TPHCM và 3 tỉnh biên giới là Long An, Tây Ninh, Bình Phước cách ly từ 40.000 – 60.000 người để sẵn sàng có phương án xử lý kịp thời.
Quân khu cũng đã chỉ đạo phối hợp triển khai 442 chốt, trạm liên ngành phòng dịch trên tuyến biên giới; đồng thời tăng cường 960 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và bộ đội thường trực; bảo đảm tốt nơi ăn ở, sinh hoạt và được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phòng, chống dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ góp phần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn người nhập cảnh trái phép, chống dịch tại biên giới.
TPHCM chuẩn bị tiếp nhận ca bệnh nặng
Tại Sở Y tế TPHCM, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thông tin tới đoàn, TPHCM đã chuẩn bị phương án có 5.000 ca mắc Covid-19 và sẵn sàng hơn 1.900 giường bệnh. Đến thời điểm này, các bệnh viện trong thành phố đang điều trị 221 bệnh nhân dương tính, trong đó có 1 ca nặng từ An Giang chuyển về đang phải chạy ECMO, thở máy.
“Thành phố hiện đã sẵn sàng 200 giường hồi sức cùng các máy móc thiết yếu như máy thở, máy ECMO. Đặc biệt, các bệnh viện tuyến cuối được bố trí mỗi bệnh viện 2 máy ECMO. Trong trường hợp xấu, số ca bệnh tăng nhanh, thành phố có thể tập trung 2.000 giường và bố trí 3.000 giường dự phòng tại một đơn vị khác không thuộc ngành y tế”- PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng nói.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Phải “tiết kiệm” bác sĩ tuyến đầu ảnh 1 PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM phát biểu tại buổi làm việc
Tại đầu cầu Củ Chi, BS-CKII Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc điều hành Bệnh viện Dã chiến Củ Chi cho hay, cộng dồn từ đầu mùa dịch đến nay bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 330 bệnh nhân, chuyển 6 ca bệnh viêm phổi nặng về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Bên cạnh điều trị, bệnh viện cũng tham gia hoạt động cách ly người nước ngoài nhập cảnh về. Theo thống kê, đến nay là 1.200 người.
BS-CKII Nguyễn Thành Dũng cũng cho biết, bệnh viện có công suất 300 giường, được trang bị đầy đủ phòng áp lực âm, phòng mổ áp lực âm dành cho bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, hệ thống xử lý nước thải đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình: Phải “tiết kiệm” bác sĩ tuyến đầu ảnh 2 PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng giới thiệu với Phó Thủ tướng Thường trực về công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi
BS-CKII Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc điều hành Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ cho hay, bệnh viện được thành lập ngày 16-3-2020, công suất 600 giường. Bệnh viện được trang bị 10 phòng áp lực âm. Đến nay tại bệnh viện đã thực hiện cách ly và điều trị 1.852 trường hợp, trong đó 127 ca dương tính. Hiện tại bệnh viện đang điều trị cho 121 bệnh nhân, trong đó đã chuyển 3 ca viêm phổi nặng đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, còn lại 111 ca.
“Cơ cấu tổ chức nhân sự tại bệnh viện được sự hỗ trợ nhân lực từ Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Y tế Cần Giờ, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế luân phiên hỗ trợ. Với nhân lực, vật lực hiện nay, bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận các trường hợp ca bệnh đến cách ly và điều trị”- BS Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Qua thực tế làm việc, báo cáo từ các đơn vị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình biểu dương sự hy sinh của đội ngũ y, bác sĩ đang ngày đêm toàn tâm, toàn lực điều trị, cứu sống bệnh nhân Covid. Tuy nhiên, cuộc chiến với giặc Covid-19 chưa biết đến khi nào kết thúc, thành phố phải đặc biệt quan tâm nhiều hơn nữa tới đội ngũ y, bác sĩ, có kế hoạch luân phiên thay đổi để dưỡng sức và cũng để bảo toàn, tiết kiệm đội ngũ cho tuyến đầu. Đồng thời Phó Thủ tướng cũng đề nghị TPHCM phải đặc biệt chú ý công tác chuẩn bị, đề phòng các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
“Bài học từ Ấn Độ khi dịch bùng phát không kiểm soát được đã dẫn đến tình trạng thiếu oxy trầm trọng” – Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nêu thực tế.
Còn PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu phải quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ bác sĩ ở các tuyến dưới. “Nhiều tỉnh có máy ECMO mà không sử dụng được, không biết sử dụng”, ông Khuê nói.
Riêng đối với tiêm vaccine ngừa Covid-19, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đề nghị thành phố bằng nhiều cách để có nhiều nguồn vaccine. Bên cạnh các đối tượng ưu tiên, cần chủ động tiêm cho công nhân, đội ngũ người lao động trong các khu công nghiệp, đội ngũ nhân sự làm việc trực tiếp trong những khu cách ly tập trung.
“Chủ động tiêm vaccine cần đẩy nhanh càng sớm càng tốt. TPHCM phải đi nhanh một bước không thể đi chậm được. Chú ý tiếp tục bảo vệ khu vực tuyến đầu, bảo vệ tối đa cho lực lượng ở tuyến đầu bằng tiêm vaccine”- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh.
Giải đáp sự băn khoăn của Phó Thủ tướng, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng khẳng định, dù Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải dự trù 5% số ca phải hồi sức cấp cứu nhưng TPHCM đã chuẩn bị đến 20% để tiếp nhận các ca bệnh nặng, trong đó đã tính đến cả phương án phải tiếp nhận bệnh nhân từ địa phương khác chuyển đến.

Về việc tiêm vaccine Covid-19, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, thành phố đã huy động được kinh phí nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là không có nguồn mua, không nắm được thông tin giá cả nên rất cần Trung ương, Bộ Y tế hỗ trợ.

“Chính phủ, Bộ Y tế cần mở rộng cơ chế mua vaccine, người dân hiện đang chấp nhận chích ngừa với tỷ lệ rất cao nhưng không có nguồn để mua thuốc về”, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục