Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Bảo đảm an toàn cho người dân là trên hết

Tối 27-9, tại cuộc họp Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 tại tỉnh Quảng Trị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 tại TP Đà Nẵng
Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 tại TP Đà Nẵng

Theo đó, vấn đề sơ tán, việc bố trí chỗ ở cho người dân rất quan trọng, phải là nhiệm vụ số 1 trước khi bão vào. Xác định bảo vệ các phương tiện trọng điểm, công trình quan trọng ảnh hưởng đến đời sống người dân như đê, bệnh viện, hệ thống điện… Cần tập trung phục vụ lương thực thực phẩm, ứng cứu các trường hợp bị chia cắt do bão. Phó thủ tướng lưu ý có thể xảy ra các tình huống chưa lường trước và các phương án ứng cứu người dân.

Phó Thủ tướng lưu ý, tinh thần chống bão phải tận dụng từng giờ một. Đặc biệt, các địa phương phải cho kiểm tra, rà soát khẩn cấp tình hình vẫn còn người dân ở lại trên tàu thuyền đang neo đậu. Phó thủ tướng nhấn mạnh phải đi từng tàu thuyền, kiểm tra không được sơ suất... vì bão rất lớn. Nguyên tắc đảm bảo an toàn cho bà con ngư dân là phải lên đất liền, nếu cần thiết phải thực hiện cưỡng chế.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Bảo đảm an toàn cho người dân là trên hết ảnh 1 Họp các điểm cầu 

Sau khi vào Quảng Trị, Phó Thủ tướng đã cùng các lãnh đạo tỉnh này đi kiểm tra một số khu vực. Mặc dù bão chưa vào nhưng trận lốc xoáy lúc 16 giờ chiều nay đã làm thiệt hại khá nghiêm trọng, đã có 4 người bị thương và tốc mái hơn 120 nhà dân, hơn 80 quán sá. 

“Tôi vừa đi kiểm tra một số khu vực ở Quảng Trị, vẫn còn một số tàu sáng đèn, có thể còn người dân ở lại trên tàu thuyền để bảo vệ tài sản. Người dân thường “của đau con xót” nên sẽ nán lại trên tàu thuyền giữ tài sản. Nếu vận động không khéo, không sát sao, sẽ không tránh khỏi tình trạng còn người bám trụ trên tàu thuyền”, Phó Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp ứng phó bão số 4 thuộc điểm cầu Đà Nẵng, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, đây là cơn bão lớn, đạt đỉnh triều cường và diễn ra trong ban đêm. Do đó, địa phương chuyển từ công tác vận động kết hợp cưỡng chế khi cần thiết với phương châm an toàn tính mạng con người là trên hết.
>> Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thông tin công tác phòng chống bão số 4:
Theo thống kê, đến 17 giờ ngày 27-9, các tỉnh từ Quảng Trị - Bình Định đã sơ tán 81. hộ/253.032 người, đạt 71%. Cụ thể: Quảng Trị 4.124/12.926, Thừa Thiên- Huế 2.552/8.407, Đà Nẵng 9.300/ 30.721, Quảng Nam 39.897/123.714, Quảng Ngãi 23.006/68.034, Bình Định 5.109/14.729.
8 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị - Bình Định và Gia Lai, Kon Tum đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 27-9. Các tỉnh Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định cho cán bộ, công nhân nghỉ làm ngày 27, 28-9. Hiện còn 4.787 khách du lịch tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên- Huế đến Bình Định đã nhận được thông tin về bão và cư trú tại các cơ sở du lịch đảm bảo an toàn. Du khách trên các đảo đã di chuyển vào đất liền tránh trú (Lý Sơn, Cù Lao Chàm). Tổ chức nhắn 21,47 triệu tin nhắn cảnh báo, hướng dẫn ứng phó bão. Các địa phương cơ bản hoàn thành việc cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu, công trình, cột tháp cao.

Hiện không còn tàu hoạt động trong khu vực nguy hiểm (đã hướng dẫn cho 57.840 tàu/299.678 lao động di chuyển tránh trú). Với tàu vận tải, hiện có 983 tàu thuyền (433 tàu biển và 550 phương tiện thủy nội địa) trong khu vực quản lý của các cảng vụ từ Quảng Ninh - Bình Thuận. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình - Khánh Hòa đã ban hành lệnh cấm biển.

Tin cùng chuyên mục