Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Nghiên cứu điều chỉnh thuế đối với xăng dầu

Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương khẩn trương đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu, nhất là rà soát, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng dầu để kiểm soát mặt hàng này.

Chiều 8-6, phát biểu tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, chủ động phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và tiền tệ để giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đề cập tới kiểm soát lạm phát, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, lạm phát trong 5 tháng đầu năm cơ bản được kiểm soát và thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới, chủ yếu là nhờ chúng ta theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, các giải pháp điều hành giá cũng như các biện pháp bảo đảm cung cầu phù hợp, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Quản lý sát việc điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, giá dịch vụ công nhà nước, quản lý giá. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá; giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai, niêm yết giá của các doanh nghiệp, chủ động kịch bản điều hành giá xăng dầu phù hợp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Nghiên cứu điều chỉnh thuế đối với xăng dầu ảnh 1 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Liên quan tới giá sách giáo khoa, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để quản lý giá sách giáo khoa theo đúng quy định của pháp luật về giá; phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi học sinh được tiếp cận sách giáo khoa với giá cả hợp lý.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương đề xuất các giải pháp để bình ổn giá xăng dầu, nhất là rà soát, nghiên cứu điều chỉnh thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng dầu để kiểm soát mặt hàng này.

Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, có 72 ĐBQH đăng ký chất vấn, 9 đại biểu tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Còn 45 đại biểu có câu hỏi nhưng do điều kiện thời gian chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Tài chính để được xem xét, trả lời bằng văn bản.

Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề ĐBQH đặt ra.  

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Nghiên cứu điều chỉnh thuế đối với xăng dầu ảnh 2 Phiên chất vấn chiều 8-6-2022. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, lĩnh vực tài chính còn một số bất cập, hạn chế: việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội còn chậm thi hành. Nhiều chính sách quan trọng đang trong quá trình hướng dẫn, chưa áp dụng trong thực tiễn và một số chính sách đã được thực hiện nhưng kết quả đạt được còn thấp so với mục tiêu. Quản lý thu ngân sách còn bất cập, nhất là đối với thuế chuyển nhượng bất động sản, chuyển giá của doanh nghiệp, nhất là FDI các giao dịch trực tuyến xuyên biên giới…

Theo Chủ tịch Quốc hội, áp lực lạm phát trong trung hạn lớn, nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, than, vật tư nông nghiệp, nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, có hiện tượng đầu cơ găm giá, tăng giá bất hợp lý. Vấn đề mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm tiêu chuẩn, định mức tài sản như trụ sở, định mức chi tiêu chưa hướng dẫn cụ thể theo Nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của Chính phủ nên còn ách tắc trong mua sắm thuốc, vật tư y tế nói chung, trang thiết bị phòng, chống dịch nói riêng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn rất chậm, trì trệ do bất cập, vướng mắc cả về khuôn khổ pháp lý thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Chính phủ và cả trong tổ chức thực hiện. Thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững. Việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh sai phạm chưa kịp thời nên khi phát hiện, xử lý thì các vụ việc đã rất nghiêm trọng, hiệu ứng xấu cho thị trường và niềm tin của nhà đầu tư.

Thị trường cổ phiếu xuất hiện hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhưng tiềm ẩn rủi ro đã xảy ra gian lận khi xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp vi phạm quy định khi cung cấp dịch vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp sử dụng vốn huy động...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội, nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích, dự báo, theo dõi sát tình hình kinh tế - chính trị, diễn biến lạm phát, giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược trong nước và trên thế giới. 

Xây dựng kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng để điều hành sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá. Tính toán kỹ khi điều chỉnh đối với giá hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, các mặt hàng điều chỉnh giá theo lộ trình cần đánh giá kỹ tác động đến CPI. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập cho người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.

Tin cùng chuyên mục