“Phố hàng rong” Nguyễn Văn Chiêm “cháy” hàng trong ngày khai trương

Theo ghi nhận của phóng viên, lượng khách đến khu vực bán hàng khá đông, trong đó có nhân viên văn phòng trong khu vực, người dân đi tập thể dục và nhiều khách vãng lai.

Sáng 28-8, UBND quận 1 (TPHCM) đã chính thức khai trương phố hàng rong trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm.

Các mặt hàng ở đây chủ yếu là các loại thức uống và đồ ăn như: bánh mì, bún, bánh canh, hủ tiếu, bánh ướt… Theo ghi nhận của phóng viên, trong buổi sáng khai trương, lượng khách đến khu vực bán hàng khá đông, trong đó có các nhân viên văn phòng trong khu vực, người dân đi tập thể dục và nhiều khách vãng lai.

 “Phố hàng rong” Nguyễn Văn Chiêm “cháy” hàng trong ngày khai trương ảnh 1 Ngay ngày đầu khai trương “phố hàng rong” ở đường Nguyễn Văn Chiêm, nhiều gian hàng đã “cháy” hàng
 “Phố hàng rong” Nguyễn Văn Chiêm “cháy” hàng trong ngày khai trương ảnh 2 Những người trực tiếp chế biến, người phụ hàng phải đeo bảng tên, mặc đồng phục và tham gia khám sức khỏe định kỳ
Theo UBND quận 1, trong 2 tháng đầu, quận phát phiếu ăn trả trước, giống hình thức vé ăn - uống để vận động cán bộ, công nhân viên xung quanh khu vực ủng hộ “phố hàng rong”; đồng thời vận động những công ty có văn phòng, trụ sở gần khu vực thí điểm mua ủng hộ vé ăn, phát cho nhân viên nhằm giới thiệu rộng rãi về hoạt động khu vực thí điểm.

Do đây là mô hình mới nên trong ngày đầu mở bán, các hộ dân chỉ chuẩn bị một số lượng hàng vừa phải để thăm dò sức mua. Trong khi đó, chính sự chuẩn bị của UBND quận 1 nêu trên cùng với việc nhiều người dân thấy lạ ghé ủng hộ nên nhiều gian hàng đã “cháy” hàng.

“Ngày đầu bán như vậy là mừng nhưng chúng tôi có buôn bán được không thì cần có thời gian mới đánh giá chính xác được”, bà Lê Thị Lan, bán bánh canh cua tại “phố hàng rong” Nguyễn Văn Chiêm nói.

Bà Lan cho biết, từ 5 giờ sáng bà đã phải bày hàng ra bán. Lần đầu tổ chức buôn bán theo giờ, bà chưa quen vì thời gian quá cập rập nhưng chưa tới 9 giờ gian hàng của bà đã bán hết.

“Trước đây tôi buôn bán trên vỉa hè ở khu vực giao lộ Lý Tự Trọng - Pasteur không ổn định, chỗ buôn bán không sạch sẽ và đặc biệt luôn lo sợ bị dẹp do lấn chiếm vỉa hè. Nay được quận sắp xếp cho chỗ buôn bán thông thoáng, sạch sẽ, tôi yên tâm hơn. Nhưng tôi mong muốn được kéo dài thời gian bán thêm 1 giờ, thay vì chỉ bán từ 6 - 9 giờ sáng và từ 11-14 giờ”, bà Lê Thị Lan gửi gắm.

 “Phố hàng rong” Nguyễn Văn Chiêm “cháy” hàng trong ngày khai trương ảnh 3 Các thực khách đánh giá cách tổ chức khoa học, sạch sẽ trong khi giá bán lại bình dân nên tuyến phố ẩm thực này có khả năng thu hút được khách
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (quận 3) đi tập thể dục buổi sáng ghé ngang “phố hàng rong để ăn sáng” và đánh giá: “Các gian hàng ở đây trưng bày khoa học, sạch sẽ mà lại chất lượng nên chúng tôi yên tâm hơn so với các ghánh hàng rong buôn bán lề đường nhếch nhác, mất vệ sinh trước đây”.

Một số thực khách khác cũng nhận xét giá cả thức ăn, đồ uống tại đây là khá bình dân như bánh canh cua giá 20.000 - 35.000 đồng/tô; cam vắt giá 12.000 đồng/ly; cà phê sửa đá 12.000 đồng/ly…

Chị Diệp Thị Thu (bán nước giải khát) cho biết trước đây chị buôn trên vỉa hè với thu nhập không ổn định. Về chỗ mới này, hiệu quả chưa biết ra sao nhưng trước mắt được sắp xếp chỗ cho buôn bán như vậy tiểu thương rất vui mừng. Trong ngày đầu chị chỉ bán nước giải khát, qua ngày hôm sau chị sẽ bán thêm đồ ăn sáng như hủ tiếu, bún riêu.

Theo đánh giá của chị Thu, giá cả thức ăn, nước uống tại đây khá bình dân, khu vực buôn bán lại sạch sẽ nên về lâu dài có thể sẽ nhiều khách, kể cả khách du lịch. Tuy nhiên, tại khu vực này có không gian hạn chế, không bày được nhiều ghế cho khách cho những những thực khách muốn dùng tại chỗ.

 “Phố hàng rong” Nguyễn Văn Chiêm “cháy” hàng trong ngày khai trương ảnh 4 Vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm khá rộng nên việc bố trí "phố hàng rong" cũng không làm ảnh hưởng đến người đi bộ
"Phố hàng rong" nằm trên đường Nguyễn Văn Chiêm, có 20 gian hàng, hoạt động từ 6-9 giờ và 11-14 giờ mỗi ngày. Các gian hàng được thiết kế giống nhau, đánh số thứ tự rõ ràng. Vỉa hè tại đây khá rộng nên khi có “phố hàng rong” thì phần vỉa hè dành cho người đi bộ vẫn được đảm bảo.
“Phố hàng rong” là phương án được quận 1 thực hiện nhằm giải quyết nơi buôn bán cho những hộ dân khó khăn có hộ khẩu tại quận trong công tác chấn chỉnh, lập lại trật tự vỉa hè, lòng, lề đường.

Người dân được bố trí vào “phố hàng rong” buôn bán không phải nộp phí nhưng được tập huấn an toàn thực phẩm, kỹ năng buôn bán…

Nguyên liệu chế biến thức ăn phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Sau khung giờ hoạt động, các hộ kinh doanh chuyển bàn ghế, ô dù vào công trình gần đó gửi.

UBND phường Bến Nghé tham gia giám sát quá trình buôn bán, nếu những người kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, gây nhếch nhác sẽ bị nhắc nhở, quá ba lần bị nhắc nhở sẽ không được buôn bán.

 “Phố hàng rong” Nguyễn Văn Chiêm “cháy” hàng trong ngày khai trương ảnh 5 Các hộ dân buôn bán ở "phố hàng rong" này phải đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm, không lấn chiếm vỉa hè và không gây nhếch nhác, nếu không có thể sẽ không được buôn bán
Dự kiến, trong tháng 9-2017, quận 1 tiếp tục khai trương thêm một “phố hàng rong” tại công viên Bách Tùng Diệp cho 15 hộ kinh doanh buôn bán.

Tin cùng chuyên mục