Phố hàng rong - nét mới văn hóa ẩm thực

Song song với công tác lập lại trật tự đô thị tại TPHCM, việc chấn chỉnh tình trạng buôn bán hàng rong, chợ tự phát trên địa bàn thành phố cũng từng bước được giải quyết với những đề án, mô hình chuyển đổi kinh doanh mới. 
Phố hàng rong - nét mới văn hóa ẩm thực
Đặc biệt, có 2 tuyến phố bán hàng rong đã lần lượt đi vào hoạt động và bước đầu nhận được sự đồng thuận của người dân. Hoạt động này hình thành thêm nét văn hóa mới về ẩm thực, nghệ thuật đường phố, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Sau 2 tháng khai trương và chính thức đi vào hoạt động, 2 phố bán hàng rong đầu tiên được UBND TPHCM phê duyệt triển khai tại vỉa hè đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp (đều thuộc địa bàn quận 1) đã được đông đảo người dân thành phố biết đến và ủng hộ nhiệt tình.
Đặc biệt, các phố hàng rong ngày càng thu hút được đối tượng khách hàng là giới trẻ, nhân viên văn phòng, du khách... Từ đó, mô hình kinh doanh mới này đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về mua sắm và tiêu dùng sản phẩm chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hai phố hàng rong này có khoảng 35 hộ buôn bán, hoạt động trong khung thời gian từ 6 - 9 giờ và 11 - 13 giờ hàng ngày. Phố hàng rong quy hoạch trên vỉa hè tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm dài 40m, có 20 hộ kinh doanh; còn tại công viên Bách Tùng Diệp dài 30m, dành cho 15 hộ kinh doanh. 
Bạn Nhã Linh, cư ngụ tại quận Bình Thạnh, cho biết vào dịp cuối tuần hay cùng bạn bè hẹn ra phố hàng rong trên lề đường Nguyễn Văn Chiêm gặp gỡ và dùng điểm tâm sáng. Ở đây, các hộ kinh doanh thực đơn điểm tâm rất đa dạng, có đầy đủ món ăn quen thuộc của người dân Sài Gòn như xôi, bánh mì... Sau đó, có thể đi dạo qua các khu vực trung tâm thành phố như: Nhà thờ Đức Bà, đường sách Nguyễn Văn Bình...
Còn chị Kim Tuyến, thực khách có mặt tại đây chia sẻ, đối với nhân viên văn phòng, để tìm địa điểm ăn uống phù hợp khẩu vị với giá cả phải chăng ở khu vực trung tâm thành phố không phải dễ. Do đó, từ khi các phố hàng rong ở quận 1 đi vào hoạt động, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh, bán buôn nhỏ vừa tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng vì các món ăn đã có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước về vấn đề an toàn thực phẩm.
Cùng với 2 tuyến phố hàng rong trên, vừa qua TPHCM cũng đã “mặc áo mới” cho phố Tây - phố đi bộ trên đường Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) với nhiều hoạt động nghệ thuật và kinh doanh độc đáo. Cụ thể, để đảm bảo lưu thông cho người đi bộ và du khách, các cơ sở kinh doanh tại phố Bùi Viện chỉ được phép bày bán trên toàn bộ phần vỉa hè, không được tràn xuống lòng đường. Đồng thời, các ngành hàng được quy hoạch rõ ràng, đa dạng, không trùng lắp; cơ sở kinh doanh phong phú... tạo điều kiện cho người dân bán buôn và cạnh tranh lành mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, phố đi bộ Bùi Viện đã được quy hoạch và đầu tư chỉnh trang đồng bộ tuyến vỉa hè dài 1.400m lát mới đá granite, với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phố đi bộ Bùi Viện áp dụng mô hình hoạt động mới với khung thời gian từ 19 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau. Riêng trong khoảng từ 20 - 22 giờ sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ người dân và khách du lịch.
Kinh doanh ngành hàng tập trung
Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về sắp xếp lại việc buôn bán hàng rong, UBND 24 quận - huyện đã và đang rà soát cũng như nghiên cứu nhiều hình thức phù hợp trong hỗ trợ người dân đang buôn bán hàng rong. Theo đó, tìm phương án sắp xếp họ vào khu vực bán buôn phù hợp ở các chợ truyền thống hoặc kinh doanh tại nhà. Ngoài ra, các địa phương cũng đang triển khai nhiều mô hình thí điểm quy hoạch khu phố hàng rong, phố ẩm thực, phố thời trang...
Trên địa bàn quận 5 đã quy hoạch và đưa vào hoạt động các tuyến phố theo ngành hàng buôn bán, như phố Đông y; phố vàng bạc, đá quý, trang sức... Các tuyến phố kinh doanh chuyên ngành hàng là một trong những chiến lược phát triển của quận 5 nhằm hình thành các điểm tham quan và mua sắm hấp dẫn theo hướng hiện đại, kết hợp bảo tồn ngành nghề truyền thống và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. 
Trong khi đó, ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết thực hiện tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TPHCM nói chung và quận Tân Bình nói riêng, thời gian qua, quận đã bố trí cho người buôn bán hàng rong, chợ tạm, chợ tự phát có chỗ hoạt động ở chợ Phạm Văn Hai từ 18 giờ 30 đến 23 giờ hàng ngày. Đồng thời, UBND quận Tân Bình đang tiếp tục khảo sát địa điểm mới và dự kiến triển khai mô hình kinh doanh ẩm thực về đêm tại các chợ khác trên địa bàn, tạo điều kiện cho người bán hàng rong có nơi kinh doanh tập trung trong thời gian tới.
Cùng với việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới cho người bán hàng rong và hình thành những tuyến phố kinh doanh chuyên ngành hàng, UBND các quận - huyện TPHCM còn chú trọng bố trí bãi giữ xe, lập đội bảo vệ an ninh trật tự... Bởi nếu không tạo điều kiện thuận lợi về chỗ giữ xe, đảm bảo an ninh trật tự thì hoạt động bán buôn, kinh doanh của người dân khó thuận lợi. 
Dù thời gian hoạt động ở một số mô hình kinh doanh mới (hay phố hàng rong) bị giới hạn trong khung giờ nhất định mỗi ngày, nhưng những người bán hàng rong một thời và đang kinh doanh tại các địa điểm tập trung do TPHCM quy hoạch đã từng bước thích ứng rất nhanh với mô hình mới này. Một số người được sắp xếp kinh doanh tại các phố hàng rong cho hay, việc triển khai mô hình phố hàng rong đã mở ra những địa điểm bán buôn phù hợp và hợp pháp dành cho những người mưu sinh bằng nghề bán hàng rong trên địa bàn TPHCM. 
Các hộ kinh doanh cũng được tài trợ cơ sở vật chất theo mẫu thiết kế chung nhỏ gọn, đáp ứng yêu cầu văn minh, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị. Đồng thời, được trang bị bảng tên, đồng phục và tham gia khám sức khỏe định kỳ. Riêng nguyên liệu chế biến thức ăn phải đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Liên quan đến việc tăng cường quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: “Trong công tác lập lại trật tự vỉa hè, các sở - ngành và UBND 24 quận - huyện cần quy hoạch, sắp xếp tổ chức kinh doanh hàng rong, chợ tạm, bán buôn tự phát một cách hợp lý. Đặc biệt, phải tạo công ăn việc làm cho người dân, chú trọng người dân thuộc diện nghèo và cận nghèo”.
Với chủ trương TPHCM không đẩy đuổi người buôn bán hàng rong, chợ tạm tự phát, đồng chí Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu các địa phương khi triển khai giải pháp chấn chỉnh trật tự đô thị cần tính đến việc khuyến khích, vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề hoặc sắp xếp buôn bán ổn định hơn. Ngoài ra, cùng với lãnh đạo thành phố, các quận - huyện trên địa bàn sẽ nghiên cứu những giải pháp tạo động lực cho người dân thay đổi thói quen lâu nay trong đời sống, sinh hoạt, mưu sinh trên vỉa hè, lòng lề đường.

Tin cùng chuyên mục