Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM yêu cầu huyện Củ Chi siết chặt kỷ cương quản lý đất đai

Trước một số tồn tại về quản lý đất đai, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang yêu cầu huyện Củ Chi siết chặt kỷ cương công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khắc phục ngay một cách hiệu quả những yếu kém đã chỉ ra. 
Đồng chí Trần Lưu Quang phát biểu tại Đại hội. Ảnh: CAO THĂNG
Đồng chí Trần Lưu Quang phát biểu tại Đại hội. Ảnh: CAO THĂNG

Ngày 28-8, Đảng bộ huyện Củ Chi khai mạc Đại hội đại biểu lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đến dự có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Võ Văn Cương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM; Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Huỳnh Cách Mạng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, cùng 299 đại biểu đại diện cho hơn 9.400 đảng viên thuộc 50 tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ huyện.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM yêu cầu huyện Củ Chi siết chặt kỷ cương quản lý đất đai ảnh 1 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang tặng hoa chúc mừng Đại hội. Ảnh: CAO THĂNG
Không cản trở sự phát triển

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang biểu dương những kết quả toàn diện của huyện Củ Chi ở các lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ TPHCM.

Bên cạnh những kết quả nổi bật, đồng chí Trần Lưu Quang cũng chỉ rõ, huyện Củ Chi còn một số tồn tại, hạn chế về quy hoạch, quản lý quy hoạch, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Công tác quản lý đất đai, xây dựng còn nhiều hạn chế.

Cơ bản tán thành với các mục tiêu Đảng bộ huyện Củ Chi đặt ra trong giai đoạn 2020-2025, đồng chí Trần Lưu Quang nhấn mạnh một số vấn đề. Cụ thể, huyện Củ Chi cần thực hiện mục tiêu kép – vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Trong xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM yêu cầu huyện Củ Chi có giải pháp đột phá trong huy động nguồn lực, hoàn thành Đề án nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Để phát triển kinh tế, đồng chí Trần Lưu Quang chỉ đạo huyện Củ Chi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động ổn định. Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao; kết hợp các mô hình sản xuất nông nghiệp với du lịch, hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng biệt của Củ Chi.

Trước một số tồn tại về quản lý đất đai, đồng chí Trần Lưu Quang yêu cầu Củ Chi siết chặt kỷ cương công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khắc phục ngay một cách hiệu quả những yếu kém đã chỉ ra. Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch, tạo sự đồng bộ, không cản trở sự phát triển.

Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM nhấn mạnh huyện Củ Chi phải cải thiện hiệu quả quản lý phát triển xã hội tiến bộ, hài hòa, công bằng, an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống. Giáo dục phải đổi mới, đặc biệt chú trọng xây dựng con người. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững; chăm lo thật tốt các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công…

Về công tác cán bộ, đồng chí Trần Lưu Quang nhắc nhở huyện Củ Chi phải đề cao trách nhiệm, vai trò nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu; chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân, làm thước đo đánh giá công chức.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM yêu cầu huyện Củ Chi siết chặt kỷ cương quản lý đất đai ảnh 2 Đồng chí Trần Lưu Quang tặng hoa các Mẹ Việt Nam Anh hùng dự Đại hội. Ảnh: CAO THĂNG
Còn nhiều diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang

Trước đó, tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Củ Chi lần thứ XI nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi cho biết, tăng trưởng kinh tế bình quân cả nhiệm kỳ đạt 16,16%, vượt 0,48% chỉ tiêu. Công nghiệp trên địa bàn huyện tăng 16,6%, chiếm tỷ trọng gần 77,5%. Trong 5 năm, huyện đã thu ngân sách nhà nước 6.878 tỷ đồng, đạt 218% so với Nghị quyết, tốc độ tăng bình quân hàng năm gần 23%.

Kinh tế huyện mặc dù đạt mức tăng trưởng đề ra, song theo Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng, chất lượng tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững, chưa phát huy đúng mức tiềm năng, lợi thế. Củ Chi còn nhiều diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, chưa được khai thác đúng mức; đa phần sản xuất nhỏ, mô hình hiệu quả chưa nhiều; thiếu chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đa số quy mô sản xuất nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Dịch vụ chủ yếu là kinh doanh mua bán, các dịch vụ du lịch chưa phát triển, hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đúng mức, chưa phát triển được du lịch truyền thống gắn với các làng nghề, du lịch sinh thái.

Vấn đề quy hoạch tổng thể phát triển đô thị của huyện Củ Chi cũng đang gặp nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, thiếu ổn định để phát triển lâu dài. Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới... chưa đảm bảo liên kết, thống nhất, đồng bộ. Công tác rà soát quy hoạch, quản lý thực hiện theo quy hoạch chưa đảm bảo. Công trình bờ bao ven sông Sài Gòn tiến độ thi công chậm, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch sinh thái. Một số dự án lớn quy hoạch trên địa bàn huyện chưa được triển khai.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM yêu cầu huyện Củ Chi siết chặt kỷ cương quản lý đất đai ảnh 3 Quang cảnh đại hội. Ảnh: CAO THĂNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM yêu cầu huyện Củ Chi siết chặt kỷ cương quản lý đất đai ảnh 4 Các đại biểu tham dự Đại hội. Ảnh: CAO THĂNG
6 chương trình trọng tâm

Trong giai đoạn 2020-2025, đồng chí Nguyễn Hữu Hoài Phú, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết mục tiêu của huyện: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 10%; đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 90 triệu đồng/người/năm; phấn đấu 50% trở lên hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, thí điểm xây dựng mô hình hợp tác xã quản lý chợ truyền thống; bảo đảm 100% công trình xây dựng trên địa bàn huyện được kiểm tra; các công trình không phép, sai phép được phát hiện, xử lý kịp thời đúng quy định.

Bảo vệ môi trường, huyện Củ Chi đưa ra mục tiêu 100% rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện được lưu giữ, thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. 100% siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách sử dụng túi thân thiện môi trường. Huyện vận động các tiểu thương chợ truyền thống hạn chế, tiến tới không sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng.

6 chương trình trọng tâm huyện Củ Chi thực hiện là: Chương trình khởi nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp; Chương trình xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, bền vững giai đoạn 2020 – 2025; Chương trình xây dựng ấp, khu phố tự quản về an ninh trật tự và môi trường; xây dựng đường, ngõ, hẻm không rác, xanh - sạch - đẹp; Chương trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm xã hội tự nguyện; Chương trình tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, chất lượng, hiệu quả của chi bộ ấp - khu phố; Chương trình nâng cao hiệu quả công tác dân vận, chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống. 

Tin cùng chuyên mục