Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi: Phòng chống dịch là ưu tiên số một, sức khỏe và tính mạng người dân được ưu tiên trước hết

Chiều 13-7, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM và đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, chủ trì buổi họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp báo
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp báo

Phát biểu kết lại buổi họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ trân trọng, đánh giá cao nhân dân TP đã hiểu, đồng tình việc triển khai Chỉ thị 16 trong 5 ngày qua. Theo đồng chí, đây là yếu tố rất quan trọng, rất quyết định đến kết quả thực hiện Chỉ thị 16 sau 15 ngày. Đồng chí cũng gửi lời tri ân đến tấm lòng của đồng bào cả nước, các tổ chức, cá nhân, các tỉnh thành bạn đã hết sức chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ TPHCM suốt thời gian qua.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, hiện TPHCM đang tập trung quyết liệt cho 3 tuyến là tập trung tầm soát F0 có trọng tâm, trọng điểm; cách ly, thu dung điều trị F0, đặc biệt là tập trung điều trị bệnh nhân nặng; tập trung cho vaccine. Trả lời câu hỏi của phóng viên, “Dịch Covid-19 tại TPHCM đã đạt đỉnh chưa?”, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết 5 ngày áp dụng Chỉ thị 16 là quá sớm để nói về đỉnh dịch. Dựa trên nền dữ liệu đã được tập hợp, phân tích kỹ lưỡng trong những ngày qua, cần thêm 2-3 ngày nữa để có số liệu ổn định và TPHCM sẽ đưa ra nhận định.

 Trả lời câu hỏi: “Sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TPHCM đã có những kịch bản nào?”, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đưa ra 3 tình huống.

Tình huống thứ nhất, là TPHCM ngăn chặn, kiểm soát được Covid-19. Lúc đó sẽ xem xét lại việc thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TPHCM, có thể là Chỉ thị 16-, Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19 tùy tình hình.

Tình huống thứ hai là chưa kiểm soát được, dịch vẫn gia tăng. Lúc đó phải thực hiện Chỉ thị 16 thêm thời gian nữa, thậm chí là Chỉ thị 16+ ở một số địa bàn.

Tình huống thứ ba là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát thì phải tính tới tình huống xấu hơn, giải pháp mạnh hơn là phong tỏa để ứng phó, hoặc phải có cách tiếp cận khác.

“Dù cho là tình huống nào, quyết định nào sau 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16, thì điều quan trọng lúc này là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong những ngày tới”, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, từng người dân, cộng đồng, doanh nghiệp, cơ quan phải thực hiện thật triệt để Chỉ thị 16, chấp hành các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất. Các lực lượng phòng chống dịch cũng phải thực hiện hết trách nhiệm của mình, cộng với ý thức của mỗi người mỗi nhà, thì TPHCM mới đạt được kết quả cao nhất, là tình huống 1. Ngược lại nếu lơ là không thực hiện nghiêm thì sẽ phải tiếp tục thực hiện tình huống 2, hoặc phải đối diện với tình huống xấu như tình huống 3.

Đồng chí Phan Văn Mãi cũng chia sẻ thêm, đợt dịch Covid-19 lần này bùng phát rất phức tạp, nhiều việc nằm ngoài sự hiểu biết, chuẩn bị của chúng ta. Nhiều vấn đề phát sinh cần nhận diện, đối phó nên không tránh khỏi những bất cập, chệch choạc, mà lãnh đạo TPHCM cần được góp ý để điều chỉnh kịp thời.

Về những thông tin phản ánh cụ thể, như việc chậm trễ đưa F0 đến nơi thu dung điều trị, theo đồng chí là có tình trạng này. Theo đồng chí, việc này không vướng ở quy định, quy trình mà thực tế triển khai còn những chệch choạc, nếu có phản ánh cụ thể cần xử lý ngay.

Về việc cung ứng hàng hóa, đồng chí Phan Văn Mãi cũng thẳng thắn nhìn nhận trong những thời điểm nhất định chưa cung ứng kịp thời. Thời gian tới TPHCM cũng phải rà soát lại các kế hoạch, phương án, không chỉ là cung ứng hàng hóa mà còn phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho những nơi điều trị, chăm lo cho người yếu thế thời gian dài không có thu nhập, những tình huống an ninh trật tự, TP đều phải rà soát lại để bổ sung giải pháp.

Liên quan đến việc sản xuất an toàn, với phương châm phòng chống dịch của Việt Nam là đảm bảo mục tiêu kép, nhưng hiện TPHCM xác định phòng chống dịch là ưu tiên số 1. Sức khỏe, tính mạng ngời dân được ưu tiên trước hết. Nơi nào an toàn mới tiếp tục sản xuất, còn không phải tạm thời đóng cửa cho đến khi đảm bảo được các điều kiện an toàn.

Tin cùng chuyên mục