Phim hoạt hình Việt: Khoảng trống chưa thể lấp đầy

Có đội ngũ nhân sự giỏi, thị trường sôi động nhưng nhiều năm qua, phim hoạt hình Việt vẫn còn khoảng trống chưa thể lấp đầy. Sản xuất phim hoạt hình Việt chiếu rạp vì thế cũng là ước mơ. 
Phim Con chim gỗ liên tiếp được vinh danh các giải thưởng cao trong nước
Phim Con chim gỗ liên tiếp được vinh danh các giải thưởng cao trong nước

Chưa đáp ứng nhu cầu thị trường 

Tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam 2021, bộ phim Con chim gỗ một lần nữa nhận giải thưởng kép Bông sen vàng thể loại phim hoạt hình và giải Đạo diễn xuất sắc. Trước đó, phim cũng nhận Cánh diều vàng và Đạo diễn xuất sắc tại giải thưởng Cánh diều 2020. 

23 phim dự thi chính thức cùng 8 phim trong chương trình toàn cảnh khiến thể loại hoạt hình chiếm số lượng lớn thứ 2 (chỉ sau phim tài liệu) tại LHP kỳ này. Tuy nhiên, cũng như mọi năm, các phim tham dự đều là phim ngắn, độ dài trung bình 10-20 phút, phim dài nhất cũng chỉ 30 phút. 

“Về phim truyện hoạt hình chiếu rạp, nhiệm vụ này đang được chúng tôi triển khai khâu kịch bản và đã trải qua mấy vòng thẩm định. Công tác kịch bản bắt đầu từ năm 2020. Dự kiến năm 2023, chúng tôi sẽ bắt tay vào sản xuất để có thể thuận lợi ra mắt vào năm 2025”, bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, chia sẻ. Trước đó, cuối năm 2018, đạo diễn Đinh Kiều Anh Tuấn công bố dự án hoạt hình chiếu rạp mang tên Hành trình nhân quả. Thời điểm đó, anh cho biết, phim dự kiến ra mắt vào dịp hè 2020 với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. “Có một số thay đổi trong chiến lược nên phim vẫn đang trong giai đoạn phát triển nội dung, chưa sản xuất. Ngoài yếu tố kịch bản, khâu sản xuất mới có nhiều phát sinh. Quan trọng nhất, chúng tôi muốn hướng tới chất lượng cao hơn, khác xa với trailer đã ra mắt. Yếu tố dịch bệnh cũng khiến mọi thứ chậm đi một chút”, đạo diễn Đinh Kiều Anh Tuấn chia sẻ. 

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Cục Điện ảnh cũng công bố thể lệ cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim hoạt hình” (90 phút). Kết quả cuộc thi sẽ tạo nguồn kịch bản cho kế hoạch đặt hàng sản xuất phim của Nhà nước trong giai đoạn 2023-2025 và các đơn vị sản xuất phim hoạt hình trong cả nước. Lễ công bố và trao giải dự kiến tổ chức trong tháng 12. 

Theo anh Hà Huy Hoàng, đồng sáng lập DeeDee Animation Studio (nổi tiếng với phim Tàn thể tiền truyện), các phim hoạt hình phục vụ khán giả Việt vẫn ít. Đội ngũ làm nghề chủ yếu sản xuất cho nước ngoài, do nước ngoài đầu tư. Đồng quan điểm đó, anh Đoàn Trần Anh Tuấn, người sáng lập Colory Animation Studio (đơn vị thực hiện phim Dưới bóng cây) cho rằng, với số lượng phim sản xuất mỗi năm của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Tạo nền tảng

Thị trường Việt Nam hiện có 3 khu vực làm phim hoạt hình: đơn vị nhà nước, các đơn vị làm theo số lượng và các studio tập trung xây dựng môi trường, quy trình sản xuất sản phẩm chất lượng cao không kém các phim quốc tế. Thị trường đang có những điều kiện cần để sản xuất phim chiếu rạp. 

Mấu chốt khiến hoạt hình Việt Nam chưa có phim chiếu rạp, theo những người làm nghề là thiếu một người tiên phong, sản xuất tác phẩm mở đường và tạo nền tảng về quy trình sản xuất chuyên nghiệp giống như lĩnh vực phim điện ảnh. Theo đạo diễn Lê Huy Anh (tác giả phim The Tale Of Cuội): “Hoạt hình Việt Nam chưa có những bậc tiền bối - người dẫn đường để mình có thể dựa vào đó, cho thế hệ như mình niềm tin sẽ làm được. Điều này khác hẳn ở lĩnh vực điện ảnh khi đã có nền tảng và nếu được đầu tư phù hợp có thể bắt kịp nước ngoài”. Chung quan điểm, anh Huy Hoàng cũng cho rằng: “Phim hoạt hình nếu có những sản phẩm chiếu rạp đáp ứng nhu cầu nhất định như phim điện ảnh, không có lý do gì khán giả lại không ra rạp”.   

Không có sản phẩm mở đường khiến các nhà đầu tư chưa đủ niềm tin rót vốn cho các dự án. Ngoài đơn vị nhà nước như Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đang triển khai, 2 dự án của đạo diễn Đinh Kiều Anh Tuấn đều là tự thân vận động. Thực tế này tạo nên một vòng lẩn quẩn. “Phim hoạt hình chiếu rạp cần khá nhiều tiền để sản xuất. Nhà đầu tư mong muốn có câu chuyện đủ mạnh để thuyết phục họ. Khi chưa có câu chuyện đáng giá, chưa ai sẵn sàng bỏ tiền. Ngược lại, người làm nghề cần thời gian, sự tập trung mới có thể có câu chuyện hay”, anh Đoàn Trần Anh Tuấn nói. Hiện các studio hoạt hình ở Việt Nam đang “lấy ngắn nuôi dài” bằng việc tham gia các dự án của nước ngoài hay làm hoạt hình quảng cáo. Đó cũng là cơ hội để trau dồi về kỹ thuật, đào tạo nhân lực, quản lý tài chính, tối ưu hóa quy trình. 

“Để sản xuất một bộ phim hoạt hình chiếu rạp hội tụ nhiều điều kiện. Đầu tiên, phải có kịch bản tốt. Thứ 2 là năng lực sản xuất gồm con người và yếu tố kỹ thuật. Phim muốn đủ chuẩn chiếu rạp phải đáp ứng được tiêu chuẩn hình ảnh 4K, đồng nghĩa phải đầu tư máy móc, thiết bị, nâng cấp phần mềm. Đội ngũ nhân sự cũng phải cập nhật trình độ để có thể vận hành được các thiết bị máy móc, phần mềm. Chúng tôi đang chuẩn bị hội đủ điều kiện có thể sản xuất phim chiếu rạp trong thời gian tới”, bà Trần Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết.

Tin cùng chuyên mục