“Phiếu tín nhiệm” trước nhân dân

Ngày 27-8 vừa qua, Thành ủy TPHCM ra thông báo về việc phân công các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM trực tiếp phụ trách, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn để đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh theo Nghị quyết số 86 của Chính phủ.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến cực kỳ phức tạp, gây nên những hậu quả nặng nề, nhất là tổn thất sinh mạng và thách thức khả năng “chống chịu” lâu dài của guồng máy xã hội lẫn đời sống người dân; đặt trong điều kiện thực tế đã và đang dịch chuyển từng ngày, từng giờ thì bộ máy phân công quyền hạn, nghĩa vụ trong chỉ đạo, giám sát thực thi cũng cần phải thay đổi theo.

Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống dịch của TP, vốn là điều không lạ nhưng mới. Mới ở chỗ, sẽ thống nhất vai trò tổng chỉ huy ở một người đứng đầu có tính tập trung toàn diện, không phân tán vai trò của Đảng hay chính quyền.

Với sự phân công mới, mỗi cá nhân là ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM sẽ phải cùng với bộ máy chủ chốt quận, huyện và TP Thủ Đức nắm sát tính chất, chuyển biến, thực trạng tình hình dịch bệnh trên địa bàn để thống nhất các phương án phòng chống dịch, nhanh chóng “hội chẩn” cùng các lực lượng chức năng đóng tại địa bàn, tham khảo mở rộng liên quận trong tình huống cần thiết, khẩn cấp để ngay lập tức ra “phác đồ” xử lý, điều trị hiệu quả cho nhân dân.

Mỗi địa bàn quận huyện chắc chắn sẽ có một đặc thù riêng, từ phạm vi, thành phần xã hội, khu vực dân cư cho đến diễn biến dịch bệnh, phân lập để ứng phó với từng khu vực “bảng màu”, đưa ra các giải pháp y tế lẫn an sinh trên nền tảng chung mà vẫn đáp ứng với điều kiện thực tế của địa bàn.

Hai địa bàn trọng điểm là Bình Tân và TP Thủ Đức được người đứng đầu đảng bộ TP nhận trách nhiệm chỉ đạo, phụ trách, theo dõi. Địa bàn quận 8 do tân Chủ tịch UBND TPHCM trực tiếp chỉ đạo. Xét về cấu trúc đô thị, mật độ dân cư, số ca mắc trong 7 ngày gần đây, cũng như các vấn đề khác nhau về an sinh xã hội, đây là một quận nóng. Tương tự với các địa bàn khác như Gò Vấp, Bình Chánh, Bình Thạnh hay Tân Phú. Đây sẽ là một thách thức lớn của năng lực nhận diện, kỹ năng phân tích và dự báo tình hình thực tế, vốn chưa ai được “trải nghiệm” và học bài bản, nếu có thì cũng chỉ mới “vỡ lòng” trong suốt mấy tháng cao điểm vừa qua. 

Những quận huyện có kết quả phòng chống dịch khả quan hơn, tuy vậy không phải là không có những thách thức. Với những “vùng xanh” dựa trên số ca mắc cộng đồng hay độ phủ vaccine Covid-19 như quận Phú Nhuận, quận 7, hay huyện Cần Giờ thì câu hỏi quan trọng nhất là đảm bảo tiếp tục tính bền vững. Tăng tốc tiêm mũi vaccine thứ 2, hình thành các cơ sở điều trị đến phường xã, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, cũng như đảm bảo đầy đủ an sinh xã hội là những nhiệm vụ phải tập trung cải thiện hàng ngày. 

Một vấn đề được xem là mang tính căn cơ trong bảng phân công mới này, đó chính là từng cá nhân phụ trách địa bàn sẽ phải nhìn thấy, nhìn thấu để xây dựng lộ trình cho cả trong và sau dịch bệnh; từng bước kiểm soát bệnh dịch cũng như chuẩn bị cho việc mở lại khu vực sản xuất - kinh tế và xã hội. Trách nhiệm bảo toàn sinh mệnh nhân dân trong đại dịch cũng như “mệnh lệnh” đưa đời sống của người dân trở lại trạng thái kinh tế - xã hội bình thường mới một cách bền vững, đó là mục tiêu tối thượng.

Trong thử thách đầy khắc nghiệt, đây là cuộc “lấy phiếu tín nhiệm” đặc biệt của cán bộ, người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị trước nhân dân TPHCM!

Tin cùng chuyên mục