Phiên bản thử nghiệm

Đức, Phần Lan, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovenia tuyên bố sẽ thành lập một lực lượng phản ứng nhanh trong Liên minh châu Âu (EU) để đối phó với các cuộc khủng hoảng quân sự tương lai. 

Hãng Thông tấn DPA của Đức cho biết, lực lượng mới này dự kiến có tiềm lực cả về không gian và mạng, cùng phối hợp với các lực lượng đặc nhiệm và vận tải đường không.

Theo 5 quốc gia trên, các sự kiện gần đây ở Afghanistan cho thấy EU cần phải chủ động, có khả năng hành động nhanh. Để đạt được mục tiêu này, tính sẵn sàng, khả năng triển khai và năng lực của các lực lượng phải được tăng cường.

Ngoài ra, nhằm tạo sự linh hoạt hơn, 5 quốc gia trên cũng đề xuất sử dụng Điều 44 của Hiệp ước EU, vốn chưa từng được kích hoạt trước đây.

Theo đó, liên minh các quốc gia thành viên có thể sẵn sàng tiến hành các hoạt động an ninh với sự cho phép của cả các quốc gia không tham gia lực lượng trên. Kế hoạch cũng kêu gọi các quốc gia thành viên EU tận dụng nhiều hơn các thỏa thuận hợp tác khu vực. Các lực lượng trên bộ phải tương đương cấp lữ đoàn, tức khoảng 5.000 quân. Trong khi nhóm chiến đấu hiện nay chỉ khoảng 1.500 quân/đơn vị, ở chế độ trực chiến, với các lực lượng từ các quốc gia thành viên khác nhau luân phiên 6 tháng một lần.

Việc thành lập lực lượng phản ứng nhanh vốn có từ năm 2007 mang tên Dự án Nhóm chiến đấu châu Âu (EUBG) nhưng EU chưa bao giờ sử dụng nhóm này cho các cuộc khủng hoảng lớn trong khu vực hoặc triển khai các sứ mệnh tại các khu vực đang có xung đột. Giờ đây, 5 nước này tạo ra một đội ngũ hỗn hợp riêng biệt cho các sứ mệnh quân sự của mình chính là bước đệm cần thiết vừa để hiện thực hóa sự hiện diện của lực lượng quân sự ngoài lực lượng quân đội NATO, vừa là phiên bản thử nghiệm trước khi tiến đến thành lập quân đội riêng của toàn khối như Đức và Pháp thường thúc giục. 

Sự rút lui hỗn loạn của lực lượng quân đội Mỹ khỏi Afghanistan đã trở thành dấu hiệu đáng báo động đối với EU và là chất xúc tác cho các cuộc thảo luận về sự cần thiết của một nhóm hoạt động thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ của EU.

Người đứng đầu bộ phận ngoại giao châu Âu, Josep Borrell, từng cho biết: “Trường hợp Afghanistan đã chỉ ra rằng, cách duy nhất để khắc phục những thiếu sót trong quyền tự chủ chiến lược của chúng tôi là kết hợp các lực lượng châu Âu”.

Tin cùng chuyên mục