Phía sau những tấm ảnh cưới

9 giờ 30 sáng, ê kíp chụp ảnh cưới hơn 20 người, đã có mặt trên phim trường (đường Bình Quới, quận Bình Thạnh, TPHCM). 

Họ là nhiếp ảnh, thợ trang điểm, phụ trách trang phục, ánh sáng... Sở dĩ họ là ê kíp chụp ảnh cưới đông nhất phim trường, bởi cô dâu, chú rể của họ là người khuyết tật, chuyện di chuyển qua lại giữa những điểm chụp phải nhờ vài người khỏe mạnh dìu đỡ hoặc bồng bế. Họ kiêm luôn đôi chân cho các cặp cô dâu, chú rể...

Phía sau những tấm ảnh cưới ảnh 1 Anh Huynh (người choàng khăn, bìa trái) cùng nhóm chụp ảnh Thiện Tâm Charity
1. Chú rể đi lại bình thường, còn cô dâu phải ngồi xe lăn. Vừa chụp xong cảnh bên này, cả nhóm lo thu dọn đồ đạc, phụ kiện, người phụ bồng cô dâu sang điểm chụp khác cho nhanh. “Cũng muốn chụp hình cưới để làm kỷ niệm, nhưng mà không dám, phần vì khó khăn tiền bạc, phần vì cơ thể lại tật nguyền nên không dám đi tới đâu hết. Ban đầu, hai vợ chồng còn tính ra tiệm chụp vài ba tấm để có hình cưới vậy thôi, chứ không dám mơ tới chuyện chụp phim trường, có người trang điểm rồi soiree hẳn hoi vầy đâu”, chị B.H. (ngụ quận 3, TPHCM) chia sẻ.

Chị Trần Thúy Phương (37 tuổi, thành viên nhóm chụp ảnh Thiện Tâm Charity, ngụ tỉnh Bình Dương) kể, trang điểm, làm tóc, kết từng bó hoa cho các cặp đôi khuyết tật, nhiều lúc cũng không cầm được nước mắt. “Vì công việc của tôi đi lại giữa TPHCM và Bình Dương thường xuyên, nên sắp xếp được thời gian là tôi tham gia trang điểm cô dâu cho buổi chụp hình của nhóm liền. Nhiều lúc trang điểm, các cô dâu tâm sự và rơi nước mắt. Từ trước tới giờ, họ chưa hề biết trang điểm là gì và cũng không dám mơ có ngày được làm cô dâu váy áo, trang điểm thế này. Cuộc sống của người khuyết tật tự ti, mặc cảm về cơ thể lắm. Nghe họ kể mà tôi rớt nước mắt vì thương. Nhiều đôi khuyết tật, đi lại khó khăn, nhưng tình cảm họ dành cho nhau tràn đầy, mang lại thêm chút niềm vui cho ngày hạnh phúc của họ, mình cũng thấy hạnh phúc lây. Bởi vậy, cả nhóm cứ thu xếp thời gian, lên lịch là đi chụp liền, chứ không ai nghĩ đến chuyện tiền bạc, hay công cán gì hết”.

Album cưới gồm 30 tấm hình đã được chỉnh sửa cho thật đẹp và một ảnh ép gỗ cỡ lớn để ở cổng, được trao cho các cặp đôi sau mỗi lần chụp. Với nhiều người, chuyện chụp ảnh cưới cũng chỉ là hình thức để ghi lại kỷ niệm, nhưng với những người khuyết tật, họ trân trọng và nâng niu như “gia tài” để mang về quê khoe với họ hàng, còn nếu may mắn có con thì để sau này kể lại cho con cái. “Vợ chồng tụi tui ở trọ, nhưng lựa chỗ đẹp nhất trong phòng trọ treo cái ảnh cưới lên, mỗi ngày nhìn đó cũng thấy vui. Còn hình cưới đem về quê khoe với họ hàng, ai cũng khen, cũng mừng cho hai vợ chồng. Dù tụi tui khuyết tật thì cũng có hình cưới, ảnh cưới để cổng hẳn hoi như bao người, cũng thấy được an ủi và bớt mặc cảm. Trước giờ, biết cơ thể mình khiếm khuyết, chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện chụp hình, sợ xấu, rồi sợ người ta cười chê nói mình đua đòi”, chị N.T.T.Đ. (ngụ đường Cống Quỳnh, quận 3, TPHCM) xúc động kể về bộ ảnh cưới của hai vợ chồng chị.

2. Tay xách nào chôm chôm, nhãn, mớ khô, mắm… anh cười bối rối: “Mới ngồi cà phê với mấy đôi hồi bữa chụp hình, họ về quê lên nên có mớ quà quê để cảm ơn, không lấy thì họ giận. Cũng cả tấm lòng của người ta, quà quê chứ quý lắm”.

Gần 3 năm hoạt động, nhóm chụp ảnh Thiện Tâm Charity đã trao gần 200 bộ ảnh cưới cho các cặp đôi khuyết tật và đó cũng là từng ấy năm anh Trần Khắc Huynh (52 tuổi, ngụ phường 2, quận 10, TPHCM) trở thành gương mặt quen thuộc với những đôi uyên ương đặc biệt này. 

Cái duyên cho sự ra đời của nhóm chụp ảnh cưới Thiện Tâm cũng rất đỗi bình dị và tình cờ. Theo lời anh Huynh, hơn 6 năm tham gia các hoạt động thiện nguyện trong thành phố và cả những tỉnh thành xa, chuyện phát quà, phát gạo hay kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ xây nhà, xây cầu đã không còn xa lạ gì với anh. Một lần tình cờ, tham gia chụp ảnh cưới cho một cặp khuyết tật, hình ảnh cô dâu - chú rể với cơ thể không lành lặn nhưng họ vẫn ngập tràn tình yêu dành cho nhau, và hơn hết họ luôn mong muốn có một bộ ảnh cưới thật chỉn chu dành cho ngày trọng đại của cuộc đời, đã như một động lực thôi thúc anh Huynh lập nên nhóm.

Anh Huynh kể, lúc mới thành lập nhóm vào năm 2016, chưa có nhiều người biết đến, khoảng 2-3 tháng thì chụp cho một đôi. Rồi cặp này chụp về giới thiệu cho cặp kia, người nào biết thì giới thiệu cho người chưa biết. Họ tìm đến mình và mình cũng tìm đến họ, giúp họ có thêm chút kỷ niệm trong ngày cưới. Bây giờ mỗi tháng có khi chụp tới 4 cặp, có những người ở tỉnh xa cũng tìm đến nhóm, phải đi trước một ngày, rồi ngủ tạm nhà các thành viên trong nhóm, để chờ chụp hình.

“Nhìn họ mong chờ bộ ảnh cưới, nhìn họ vui, hạnh phúc khi nhận ảnh, mình càng có động lực để tiếp tục công việc này. Bây giờ chụp xong rồi trao album, ảnh cổng, tôi còn mua thêm thẻ nhớ, đầu đọc thẻ để họ cắm vô điện thoại và coi hình luôn trên đó. Như mình bình thường, có điều kiện còn lưu được trên máy tính này kia, chứ họ đâu có rành rẽ mà cũng không có điều kiện tiếp xúc nhiều với đồ công nghệ, nên tôi mua rồi cài sẵn luôn, để họ thích xem lúc nào thì mở điện thoại lên là có ngay”, anh Huynh kể.

3. Anh Huynh xuất thân từ nghề cơ khí, nhưng thích chụp hình nên tự mua máy ảnh về rồi mày mò tập chụp. Đến khi bắt đầu công việc chụp ảnh cưới cho các cặp đôi khuyết tật, anh Huynh tìm hiểu rồi tự học thêm về các công đoạn chỉnh sửa ảnh, thiết kế album ảnh cưới, ảnh cổng… để mỗi sản phẩm đến tay các cặp vợ chồng phải đẹp nhất có thể. Anh Huynh tâm niệm: “Có khuyết tật thì họ cũng là con người, cũng cần một đời sống tinh thần trọn vẹn như tất cả chúng ta”. 

Có lần chụp cho một cặp, anh chồng bị tật một bên mắt, chỉ thấy tờ mờ, lem nhem, còn cô vợ thì đôi chân bị liệt hoàn toàn từ nhỏ. Chụp hình xong họ cảm ơn rối rít, cô vợ xúc động rớt nước mắt kể, họ định ra tiệm chụp vài tấm để làm kỷ niệm nhưng chưa dám, vì hai vợ chồng bán vé số hàng ngày, lời lãi không bao nhiêu nên tính trong bụng mà chưa dám đi. “Họ xúc động rớt nước mắt, tui cũng không kìm được, hoàn cảnh đáng thương quá. Chuyện chụp hình cưới ở thời buổi này có gì mà khó, ra tiệm thì dịch vụ lo đủ từ A tới Z, nhưng với những người nghèo, khuyết tật, đôi khi là mơ ước cả đời”, anh Huynh kể lại.

Không chỉ miệt mài chỉnh sửa từng tấm ảnh, khung hình để hoàn thiện một album, tấm hình cổng, anh Huynh còn đi khảo sát từng nhà các đôi vợ chồng đăng ký chụp ảnh, rồi lên lịch chụp để các thành viên trong nhóm có thể tham gia và hỗ trợ thuận tiện giờ giấc, địa điểm nhất. Anh Huynh chia sẻ: “Nhà trọ tù túng, có nhà nhỏ xíu chừng hơn 2m2, phần lớn họ bán vé số để mưu sinh, cuộc sống khó khăn nhưng vẫn đầy nghị lực vươn lên. Sau này, bên phía phim trường ủng hộ, nên nhóm không phải lo phần chi phí mỗi buổi chụp ở phim trường nữa. Mình cố gắng chụp hình thật đẹp, tìm những góc chụp có thể tránh hoặc hạn chế ít nhất phần khiếm khuyết của họ, tôi coi đó cũng như là cách để mình chia sẻ với những người khuyết tật”.

“Làm việc tốt từ cái tâm của mình là được rồi, không cần phải khoa trương làm chi đâu. Có những lễ cưới tập thể hứa hẹn tặng quà, hình cưới này kia mà có đâu. Mới tháng trước, tôi chụp cho một cặp ở Bình Dương, họ kể có tham gia lễ cưới tập thể, người ta hứa tặng hình cưới và đĩa CD, nhưng chờ hoài cũng hông thấy. Nhiều người cũng kỳ lắm, tổ chức ra để quảng cáo, đánh bóng tên tuổi chứ không có thực hiện những gì đã hứa, lợi dụng người khác là không hay rồi, đằng này lại là người khuyết tật nữa, thì càng không nên”, anh Huynh tâm niệm.

Tin cùng chuyên mục