“Phép thử” để du lịch bứt tốc

Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua dù chưa phải dịp cao điểm du lịch, song đã ghi nhận dòng du khách nườm nượp đổ về các điểm vui chơi giải trí, những thiên đường du lịch nghỉ dưỡng như Lào Cai, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu...; trên mạng xã hội cũng ngập tràn hình ảnh người người, nhà nhà “check-in” các điểm đến. 

Qua đó phần nào cho thấy, du lịch nội địa đã hồi sinh sau 2 năm chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Nếu trước đây, mọi thống kê về du lịch thường đề cao về số lượng lượt du khách quốc tế, thì rõ ràng, những lúc khó khăn như vừa qua đã khiến các doanh nghiệp du lịch phải thay đổi cách nhìn, định hướng thu hút khách. Chính thị trường khách trong nước mới được coi là cứu cánh, là động lực để giúp ngành công nghiệp không khói dần dần có được sinh lực trở lại. Từ đầu năm tới nay, thống kê cho thấy, lượt du khách trong nước đã có nhiều tăng trưởng vượt bậc. Lượng khách nội địa 3 tháng đầu năm 2022 ước đạt 26 triệu lượt, trong đó có khoảng 17,2 triệu lượt khách lưu trú.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, cho đến thời điểm này, những sản phẩm du lịch dành riêng cho người Việt vẫn còn rất đơn điệu. Các sản phẩm du lịch vẫn thuộc loại “dùng cho khách quốc tế cũng được, dùng cho khách nội địa cũng xong”. Nghĩa là, chưa có những hiểu biết tường tận về việc du khách nội địa cần gì, thích gì, có thể tạo ra những sở thích mới cho họ hay không. Đây cũng có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến du khách trong nước đa phần lựa chọn hình thức du lịch tự túc.

Du lịch đương nhiên vẫn chịu tác động lớn của quy luật cung - cầu, nhưng du lịch là trải nghiệm, là cảm xúc…, bởi vậy, những sản phẩm đưa ra không chỉ nắm bắt xu hướng mà còn phải phù hợp với thói quen chi tiêu, sinh hoạt, văn hóa và đáp ứng mong muốn của khách. 

Khách du lịch quay trở lại là dấu hiệu tốt, song với tình trạng du lịch tự phát, thiếu điều tiết và kiểm soát của du khách trong nước như lâu nay thì sẽ không thể tránh khỏi ùn tắc, quá tải, chen lấn, cháy phòng, cháy nhà nghỉ… trong những kỳ nghỉ lễ kéo dài. Trong hoàn cảnh ấy thì cả du khách lẫn doanh nghiệp du lịch đều không có cơ hội hưởng lợi, thậm chí còn phải đối mặt với nguy cơ làm hình ảnh du lịch trở nên “xấu xí”. Hiện nay, khách trong nước hay quốc tế cũng đều rất công bằng: điểm đến nào làm tốt việc phục vụ khách hàng, giá cả phải chăng, phục vụ thân thiện thì khách luôn quay lại. 

Sắp tới, kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sẽ kéo dài tới 4 ngày, thực sự là “phép thử” quan trọng đối với năng lực của ngành du lịch sau 2 năm hoạt động cầm chừng bởi dịch bệnh. Thói quen đi du lịch đã trở lại, tốc độ phục hồi thị trường nội địa khá tốt song cũng cần nhanh chóng chấn chỉnh, cải thiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, bù đắp những thiếu hụt về nhân lực, nâng cao chất lượng phục vụ... 

Năm nay, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng. Mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, muốn “cỗ máy” du lịch có thể vận hành trơn tru, hiệu quả, tạo đà đón mùa du lịch hè sắp tới và vụ du khách quốc tế cuối năm 2022 thì cần nhiều nỗ lực, sự chung tay vào cuộc của nhiều đơn vị trong chuỗi mắt xích cung ứng như giao thông, ăn uống, vui chơi, tham quan, mua sắm… Các doanh nghiệp cũng cần không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo, cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch; đầu tư mạnh vào công nghệ trong phát triển du lịch… Tất cả cùng chuyển động, du lịch sẽ nhanh chóng rút ngắn thời gian phục hồi, tạo đà bứt tốc mạnh mẽ hơn. 

Tin cùng chuyên mục