Phẫu thuật cùng lúc 6 cơ quan để cứu bệnh nhân ung thư túi mật hiếm gặp

Chiều 8-5, thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, lần đầu tiên các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công một bệnh nhân nữ bị ung thư túi mật hiếm gặp, dạng tế bào gai; trong đó các phẫu thuật viên, cùng lúc phải phẫu thuật 6 cơ quan để cứu bệnh nhân. 

Bệnh nhân Nguyễn Thị N. (57 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) nhập viện do đau bụng hạ sườn nhiều ngày, bị sụt cân khoảng 3kg trong 2 tháng. Qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm máu, siêu âm bụng, CT-scan bụng có cản quang. Bệnh nhân được chẩn đoán u túi mật và chỉ định phẫu thuật.

Phẫu thuật cùng lúc 6 cơ quan để cứu bệnh nhân ung thư túi mật hiếm gặp ảnh 1 Các bác sĩ phẫu thuật cùng lúc 6 cơ quan để cứu bệnh nhân N

Ê-kíp BS CK2 Trương Thanh Sơn cùng các cộng sự đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Các bác sĩ phẫu thuật bụng đường chữ J dài 25cm thám sát ổ bụng nhận thấy, trường hợp u túi mật xâm lấn gan hạ phân thùy IV-V, xâm lấn hang vị dạ dày, tá tràng, tụy và đại tràng ngang kèm nhiều hạch vùng rốn gan.

Bác sĩ tiến hành sinh thiết tức thì và quyết định cắt trọn khối ung thư gồm 6 cơ quan là “gan hạ phân thùy IV-V, khối u túi mật, đoạn xa dạ dày, D1 tá tràng, 1 phần mốc tụy, cắt đoạn đại tràng ngang”.

Tiến hành nạo hạch vùng rốn gan, đánh giá ống túi mật và ống mật chủ mềm mại không còn khối u. Mặt cắt gan được khâu cầm máu và các điểm rò mật một cách cẩn thận. Lập lại lưu thông tiêu hóa bằng nối lại dạ dày với ruột non, đại tràng với đại tràng. Thời gian phẫu thuật thành công trong 4,5 giờ. Sau phẫu thuật bệnh nhân tỉnh táo, ăn uống được, hiện không còn rò mật nữa. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ, là ung thư túi mật loại tế bào gai xâm lấn mô gan, mô ruột.

Theo y văn, ung thư túi mật là loại ung thư hiếm gặp, điều trị khó, do ung thư lan rộng nhanh và thường di căn vào các cơ quan kế cận, nhất là vào gan, thường gặp nhất là loại tế bào tuyến chiếm khoảng 90%, còn lại là ung thư túi mật loại tế bào gai, gai tuyến và dạng sarcoma.

Các bệnh nhân có tiền sử sỏi mật, đặc biệt là sỏi mật tái phát nhiều lần; bệnh nhân có tiền sử polyp túi mật, người hút thuốc lá, nghiện rượu… là những đối tượng có nguy cơ bị ung thư túi mật.

Tin cùng chuyên mục