Phát triển thương hiệu doanh nghiệp TPHCM

Quy mô thị trường tiêu thụ tại TPHCM được đánh giá lớn nhất nước. Theo đó, những vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng trong thời gian qua trở nên nhức nhối. 

 

Vậy làm thế nào để kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là vào thời điểm giáp tết, sức tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh? Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM. 
Phát triển thương hiệu doanh nghiệp TPHCM ảnh 1 Sản xuất thực phẩm chế biến tại một đơn vị         Ảnh: THÀNH TRÍ
  Phóng viên: Được biết, Sở Công thương TPHCM đang có kế hoạch phát triển thương hiệu tiêu biểu của thành phố. Vậy kế hoạch này sẽ được triển khai như thế nào? 

 Ông Phạm Thành Kiên: UBND TPHCM đã giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng chương trình “Phát triển thương hiệu doanh nghiệp TPHCM”. Theo đó, mục đích nhằm lựa chọn thương hiệu của các doanh nghiệp tiêu biểu hàng đầu của TPHCM; từ đó, thành lập nhóm thương hiệu nòng cốt dẫn dắt toàn ngành phát triển và phấn đấu trở thành những thương hiệu mang tầm khu vực. 

Hiện sở đã tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, bán lẻ, điện tử, thời trang, cơ khí, thực phẩm; về mở rộng đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực tham gia; đơn giản hóa các thủ tục, thực hiện bộ nhận dạng thương hiệu, công tác truyền thông… cho chương trình. 

 Ông có thể cho biết, doanh nghiệp phải đạt những tiêu chí nào để có thể đạt chứng nhận trên? 

 Các tiêu chí cụ thể về ngành nghề, lĩnh vực sẽ có ban thẩm định chuyên môn đánh giá, nhận xét, nhưng điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp tham gia xét chọn phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả (về doanh thu, lợi nhuận, mức độ phổ biến của thương hiệu…). Các tiêu chí này sẽ định kỳ được xét duyệt để thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.

Mặt khác, cũng phải thấy rằng hiện các chương trình bình chọn, xét chọn có quá nhiều thủ tục phải thực hiện. Doanh nghiệp phải nộp nhiều hồ sơ chứng minh. Trong khi đó, các tạp chí trong và ngoài nước vinh danh doanh nghiệp mà không buộc doanh nghiệp phải nộp bất cứ giấy tờ gì, đến khi công bố mới biết doanh nghiệp mình được tôn vinh. Đây cũng là nội dung mà chúng tôi sẽ tham khảo để đảm bảo công tác triển khai được hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia.

 Việc trao chứng nhận thương hiệu doanh nghiệp của thành phố có thể tăng niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt hay không? 

Thương hiệu của doanh nghiệp được xây dựng từ chính niềm tin của người tiêu dùng. Như tôi đã đề cập, các doanh nghiệp tham gia chương trình là doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; đã khẳng định vị trí, vai trò của mình qua sự ghi nhận và niềm tin của người tiêu dùng. Với mục đích của chương trình, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ, tiếp sức, thúc đẩy phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp thành phố với kỳ vọng không chỉ tăng niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt, mà còn góp phần hình thành nhóm thương hiệu nòng cốt dẫn dắt toàn ngành phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, đảm bảo an sinh xã hội và phấn đấu trở thành những thương hiệu mang tầm khu vực.

Bên cạnh đó, để củng cố niềm tin cho hàng Việt, về phía cơ quan chức năng sẽ tăng cường phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại, hàng giả; kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng phải nâng cao sức cạnh tranh, hoạt động sản xuất, kinh doanh uy tín, thường xuyên cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa, mang đến những sản phẩm chất lượng cao nhất và phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng nhằm nâng cao uy tín của doanh nghiệp và củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt.
 
Quan trọng hơn, đó là sự tham gia từ phía người tiêu dùng, nên kiểm tra hàng hóa kỹ về xuất xứ, chất lượng trước khi mua. Đồng thời, tham gia phát hiện và thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.

Thời điểm cuối năm cũng là cao điểm hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tràn lan trên thị trường. Vậy sở sẽ có những biện pháp nào để kiểm soát tình hình trên? 

 Để kiểm soát tình hình hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm vào thời điểm cuối năm, ngay từ đầu tháng 9-2017, Sở Công thương TPHCM đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường  TP xây dựng và triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục các địa bàn trọng điểm, đặc biệt nhóm các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán; pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, rượu, bia, nước giải khát; vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm và sang chiết gas trái phép… 

Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, thanh tra chuyên ngành, quận huyện để kiểm soát tình hình trên.

Tin cùng chuyên mục