Phát triển Tây Nguyên đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững

Sáng 20-11, tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, với chủ đề “Phát triển xanh - hài hòa - bền vững”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan khu triển lãm sản phẩm đặc trưng của vùng Tây Nguyên tại hội nghị Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan khu triển lãm sản phẩm đặc trưng của vùng Tây Nguyên tại hội nghị Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng; có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, song chưa phát triển tương xứng. Do đó, phải thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả nước.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phát triển Tây Nguyên phải tự lực, tự cường; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển. Phát triển Tây Nguyên phải mang tính đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong sản xuất, kinh doanh phải đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Về các yêu cầu cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù trình Chính phủ để làm thí điểm; thực hiện xây dựng quy hoạch với tầm nhìn chiến lược và tư duy đột phá; xây dựng hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng y tế, giáo dục, trong đó xây dựng các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt kết nối Đông - Tây; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các trường đại học, trường dạy nghề; tập trung phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng; phát triển công nghiệp chế biến gắn với kinh tế nông nghiệp; phát triển văn hóa gắn với du lịch; huy động các nguồn lực vào đầu tư; xây dựng thương hiệu mạnh cho các sản phẩm của Tây Nguyên.

Về xúc tiến đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phải dựa vào quy hoạch, dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Tây Nguyên và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Các địa phương phải sớm hoàn thiện và ổn định cơ chế chính sách thu hút đầu tư phù hợp, sát thực tiễn, khả thi, mang lại hiệu quả.

Phát triển Tây Nguyên đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững ảnh 1Gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Lâm Đồng tại hội nghị. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Tây Nguyên giữa Bộ KH-ĐT, các tỉnh Tây Nguyên với các đối tác phát triển, cũng như các biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng trị giá hơn 5 tỷ USD và 25.000 tỷ đồng. Các lĩnh vực tập trung đầu tư như: xây dựng các khu công nghiệp, đô thị; xây dựng các tuyến giao thông kết nối; xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần logistics; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu; chế biến nông - lâm sản, khai khoáng...

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật “Tây Nguyên xanh - Hài hòa - Bền vững”.

Chiều 20-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Lâm Đồng từ nay đến cuối năm phải tập trung hoàn thành công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; giải phóng mặt bằng các công trình để thu hút nhà đầu tư trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp; kiểm soát giá cả các mặt hàng thuốc men, xăng dầu; hỗ trợ doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu nông sản (rau, hoa…) và đảm bảo an sinh xã hội dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ và các bộ ngành ủng hộ việc tập trung nguồn lực cho tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, phát huy các nguồn lực để chỉnh trang giao thông các hướng từ tỉnh Lâm Đồng đến tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Thuận.

ĐOÀN KIÊN

Tin cùng chuyên mục