Phát triển sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng

Dạo quanh thị trường quà lưu niệm cho du khách, nhiều người không khỏi ngạc nhiên về mặt hàng lưu niệm bày bán ở các điểm du lịch, chợ truyền thống, trung tâm thương mại… còn nghèo về mẫu mã, thiếu nét riêng và không mấy tinh xảo.
Du khách chọn mua quà lưu niệm tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Du khách chọn mua quà lưu niệm tại TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chị Ngô Phương Ngọc, ngụ tại quận 10, TPHCM, cho hay, vài ngày trước chị cùng bạn bè rảo một vòng quanh các trung tâm thương mại ở quận 1, quận 5… để tìm kiếm quà lưu niệm, nhưng loanh quanh chỉ có mấy món: áo dài, nón lá, hộp đan từ lục bình, hạt đá đeo tay, móc khóa... Đã vậy, nhiều món còn được làm sơ sài, để một thời gian ngắn đã hư. 

Chị M.T., tiểu thương chuyên bán hàng Quảng Đông (Trung Quốc) tại TPHCM tiết lộ một điều không mấy vui, đó là hàng lưu niệm ở TPHCM nhưng được sản xuất thủ công ngay tại Việt Nam không nhiều. Nhiều món hàng quà tặng được đặt từ bên kia biên giới mang về bằng đường tiểu ngạch.  

Anh T.N., một hướng dẫn viên ở TPHCM chuyên thị trường Pháp, chia sẻ, khách Pháp thích mua nón lá, tranh sơn mài, đũa… là những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam. “Xuống miền Tây, tôi hay giới thiệu về cây dừa cho du khách. Người dân tận dụng mọi thứ từ cây dừa, gồm lá dùng lợp nhà, làm chổi quét, nước dừa để uống, nước màu làm từ trái dừa; đồ lưu niệm làm từ gáo dừa, thân dừa như muỗng, nĩa, dụng cụ massage bằng cây dừa… Du khách rất thích thú với cách tận dụng này”, anh T.N. nói. Tuy vậy, anh T.N. cũng cho biết, giá bán của các mặt hàng này còn khá cao nên du khách ít mua. Họ thường chọn các món quà nhỏ giá từ 1-3 USD. 

Nhìn ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing, Công ty TST Tourist, cho rằng, để phát triển các sản phẩm quà tặng đặc trưng của TPHCM, ngành du lịch nên vận động những cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng thủ công, quà lưu niệm trên địa bàn thành phố cùng bàn, cùng làm. Trong bối cảnh ngành du lịch đang đuối sức vì dịch Covid-19, rất cần sự tham gia hỗ trợ từ Nhà nước, như thiết kế, tạo mẫu và đầu tư vốn sản xuất. Quan trọng là cần có “nhạc trưởng” đứng ra tập hợp các ngành, doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, tâm tư rằng, cách đây 2 tuần, một người bạn gọi cho anh để tìm mua quà lưu niệm xuất xứ trong nước cho một vị khách Nhật Bản, nhưng ông phải loay hoay tìm người hỗ trợ và lúc này mới thấy để tìm một món quà tặng phù hợp cho khách là không dễ. Theo ông An, bài toán đặt ra là cần có trung tâm bán quà tặng chuyên biệt, đầu tư bài bản, chuyên sâu để khách lựa chọn. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, thừa nhận, thị trường quà tặng dành cho du khách còn thiếu điểm nhấn. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Công thương TPHCM lên kế hoạch phát triển thêm các sản phẩm made in TPHCM để phục vụ du khách trong và ngoài nước”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa khẳng định.

“Nên chăng, tại TPHCM, Sở Du lịch chỉ đứng ra làm đầu mối thông tin, các sở chuyên ngành như Sở Công thương chẳng hạn, sẽ phối hợp với Sở Du lịch trong việc định hướng, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh quà lưu niệm mang dấu ấn của TPHCM. Từ đó, giúp thúc đẩy chương trình mua sắm tiêu dùng giữa các ngành nghề, lĩnh vực, tạo điểm nhấn cho các sản phẩm thế mạnh của thành phố. Thêm nữa, các sở ngành cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị hiếu tiêu dùng, giúp định hướng đầu ra cho sản phẩm. Tránh tình trạng nghiên cứu sơ sài, triển khai không hiệu quả, gây lãng phí công sức, tiền của”.

                                         Chuyên gia du lịch NGUYỄN ĐỨC CHÍ

Tin cùng chuyên mục