Phát triển nông nghiệp bền vững

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp ghi nhận một số tiến bộ vượt bậc, được đánh giá là lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong dài hạn, đóng góp quan trọng vào GDP cả nước.

Tuy nhiên hiện nay, có không ít địa phương xem nông nghiệp chỉ là phương án trước mắt. Những chuyên viên kinh tế nhìn đất đai dưới góc độ giá trị kinh tế mang lại, lãnh đạo các địa phương nóng lòng hoàn thành kế hoạch thu ngân sách cho huyện hay tỉnh nhà, nên cũng vô tình xem nhẹ giá trị của môi trường và tính bền vững mang lại. Đó cũng là lý do nhiều nơi sẵn sàng lấy đất nông nghiệp để làm công nghiệp, đô thị, sân golf. 

Những doanh nghiệp chế biến nông nghiệp làm ăn bài bản, được không ít địa phương mời đến đầu tư, xây dựng nhà máy, hình thành vùng nguyên liệu, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, đóng góp ngân sách hàng năm cho địa phương vẫn gặp không ít khó khăn.

Công ty cổ phần V. được UBND tỉnh H.D cấp giấy chứng nhận đầu tư đầu vào cuối năm 2007 với quy mô 32ha. Dự án xây dựng vùng nguyên liệu, kho cấp đông, kho trữ đông và nhà máy chế biến nông sản (mít, chuối, khoai lang, khoai môn, dứa, táo, cà rốt, xoài...). Sau giai đoạn 1 triển khai cây trồng, đến giai đoạn 2 dự án, khi mới xây dựng nhà kho, tỉnh không cấp phép xây dựng nhà máy vì khu vực này được quy hoạch thành đất đô thị theo chủ trương mới của lãnh đạo địa phương nhiệm kỳ sau. Sự không nhất quán này làm doanh nghiệp lâm vào tình thế dự án không thể triển khai, hàng năm vẫn phải đóng thuế. Tuy nhiên, dù được chuyển qua đất đô thị nhưng vẫn chưa thể triển khai do đã hết “hạn ngạch” hàng năm theo như quy định chuyển đổi từng bước của trung ương nên phải xếp hàng chờ. Vậy là đất để hoang, doanh nghiệp bị mang tiếng vì dự án không thể triển khai, nhưng tiền thuế đất đai hàng năm vẫn phải thực hiện đầy đủ.
Một trường hợp khác, sau khi doanh nghiệp xây dựng nhà máy mua nguyên liệu tại chỗ ở một tỉnh Tây Nguyên và muốn xây dựng vùng nguyên liệu theo đúng chất lượng xuất khẩu, địa phương đó đồng ý cấp đất trên khu vực được hai bên thống nhất. Khi doanh nghiệp được tỉnh cấp đất trong 50 năm, không biết thông tin từ đâu, người dân vào xây cất nhà, chiếm đất trái phép tăng đột biến, và chỉ cho triển khai khi đã đền bù. Như vậy, ngoài nghĩa vụ thuế cho Nhà nước còn phải thêm phần bồi hoàn giá trị trên đất với giá hàng chục triệu đồng/ha. Sự xuất hiện hàng trăm trường hợp phát sinh mới này làm cho doanh nghiệp nông nghiệp chùn bước. Vậy là dự án bị ngưng, doanh nghiệp phải trả dự án lại cho địa phương do không thể triển khai. 
Thế nhưng, ngay với địa phương mà doanh nghiệp nông nghiệp triển khai dự án hiệu quả, có nhà máy, vùng nguyên liệu lâu năm, đóng góp hàng năm vào ngân sách của tỉnh hàng chục tỷ đồng cũng như tạo việc làm cho người dân tại chỗ… vậy mà vẫn bị tiếng ra tiếng vào khi giá trị đất khu vực này tăng mạnh lại ở vị trí đẹp. Vậy là xuất hiện “cử tri” địa phương phản ảnh doanh nghiệp sử dụng đất đai không hiệu quả, đề nghị tỉnh có chủ trương để quy hoạch một phần đất dự án của doanh nghiệp trên thành đất ở hoặc xây dựng công trình công ích địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho người dân tại chỗ. Doanh nghiệp này phải báo cáo, chứng minh hiệu quả của nông trại thực hiện thời gian qua đến các đoàn thanh tra như: hàng năm đóng góp ngân sách cho tỉnh hàng chục tỷ đồng từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, riêng năm 2019 trên 36 tỷ đồng… Đồng thời cho biết về kế hoạch lâu dài để nâng cao giá trị sử dụng đất tại đây khi nông trại đã được chứng nhận hữu cơ của EU và NOP từ cuối năm 2016 bởi tổ chức chứng nhận của USDA (Hoa Kỳ). Nông sản tại đây là sản xuất sạch để cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với thương hiệu rõ ràng, mang về ngoại tệ, góp phần phát triển đất nước. Vậy nhưng những dự án đầu tư công phu như vậy vẫn bị xem nhẹ so với các dự án bất động sản hay dự án đầu tư nước ngoài, dù nước ta là nước nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, những doanh nhân thực sự gắn bó với nông nghiệp lâu năm mong muốn sự đồng hành của chính quyền địa phương, để doanh nghiệp yên tâm làm nông nghiệp lâu dài, lúc đó mới có thể hình thành những vùng nông nghiệp bền vững. Sau mỗi thời kỳ khủng hoảng, như giai đoạn cuối thập niên 90, sau đó cuối thập niên 2000 và hiện nay với dịch Covid-19, vai trò quan trọng của nông nghiệp đã được khẳng định. Nông nghiệp là “bà đỡ” cho cả nước khi các ngành khác gặp khó khăn vì khủng hoảng, suy thoái. Cũng qua đó cho thấy, nông nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với nhiều nước. Vì vậy, mỗi địa phương cần xác định lại tầm nhìn dài hạn trong việc quy hoạch đất đai sao cho hài hòa và phù hợp giữa phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị, công nghiệp cũng như ưu tiên khu vực phù hợp để phát triển nông nghiệp và chế biến thực phẩm.

Tin cùng chuyên mục