Phát triển những loại hình thương mại mới

Ngày 4-5, Bộ Công thương đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng “Chiến lược phát triển thương mại trong nước (TMTN) giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035”.
Mua bán tại chợ Phú Nhuận. Ảnh: THÀNH TRÍ
Mua bán tại chợ Phú Nhuận. Ảnh: THÀNH TRÍ
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết đây là bước kế tiếp một cách liên tục và thống nhất trong tổng thể quá trình phát triển TMTN của Việt Nam từ trước đến nay, với mục tiêu tiếp tục đề xuất các giải pháp phát triển thị trường trong nước thời gian tới. 
Tăng nhanh nhưng chưa bền vững
Chiến lược dự kiến đề cập và giải quyết các vấn đề về tổ chức kênh phân phối truyền thống và hiện đại; về loại hình, phương thức kinh doanh; kết cấu hạ tầng thương mại; các loại hình doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh phù hợp với tính chất, đặc điểm của thị trường theo ngành hàng, khu vực thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, chiến lược cũng làm rõ vai trò của nhà nước, DN và hiệp hội trong quản lý, xây dựng và phát triển hệ thống phân phối đảm bảo nâng cao vai trò, vị thế của các DN trong nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. 
Theo Vụ Thị trường trong nước, giai đoạn 2006-2015, TMTN đã có tốc độ phát triển nhanh, liên tục; trong đó thương mại bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 2 con số từ 596,2 ngàn tỷ đồng năm 2005 lên 3.186,67 ngàn tỷ đồng năm 2015; đóng góp trên 10% trong tổng sản phẩm quốc nội; hạ tầng thương mại nhanh chóng được cải thiện, đặc biệt là hệ thống bán lẻ hiện đại. TMTN cũng đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Tuy thương mại bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh nhưng không ổn định, chênh lệch sức mua giữa thành thị và nông thôn còn lớn. Hạ tầng thương mại truyền thống như chợ thì cơ sở vật chất rất hạn chế, trong đó có tới 86% là chợ hạng 3. Số người kinh doanh tăng nhanh, tự phát với quy mô nhỏ và thiếu liên kết lâu dài. Quản lý nhà nước còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nhận thức chưa đủ, chưa thống nhất về vai trò của TMTN, nhất là phân phối, bán lẻ.
Đi vào thực tế, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, chỉ ra rằng có chính sách chưa theo kịp tiến trình hội nhập, các loại hình thương mại cũng chưa đồng đều. Thương mại hiện đại tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, còn ở ngoại thành loại hình thương mại truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ lớn, thậm chí có huyện không có siêu thị nào. Vì vậy, cần giải pháp phát triển đối với từng loại hình thương mại; giải pháp thu hút phát triển cũng như quản lý hiệu quả những loại hình thương mại mới, trào lưu mới.
Bộ Công thương cũng cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Thương mại được ban hành từ năm 2005 cho phù hợp với tình hình mới; nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh nguyên tắc bố trí vốn đầu tư phát triển từ ngân sách. 
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương), cho rằng dù TMTN có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng đến nay vẫn chưa có chiến lược phát triển. Với tư cách là cơ quan nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển thương mại, Viện Nghiên cứu thương mại ủng hộ việc hoạch định chiến lược của Vụ Thị trường trong nước và mong muốn chiến lược này sớm được Chính phủ ban hành.
Cần có doanh nghiệp hạt nhân
Theo nhận định, bản dự thảo lần 3 của đề cương “Chiến lược phát triển TMTN giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về kết cấu, nội dung của chiến lược, nhưng cần bổ sung các vấn đề đặt ra cho TMTN trong quá trình phát triển thương mại hóa, hiện đại hóa hiện nay, nhất là yêu cầu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Đặc biệt, lưu ý việc xây dựng chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu và vấn đề lưu thông, phân phối hàng hóa nhập khẩu trên thị trường trong nước và phát triển thương mại trong nước với mục tiêu phát triển bền vững với 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không nên phân nhóm giải pháp thực hiện chiến lược như trong dự thảo mà nên phân nhóm giải pháp đảm bảo huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển. Theo quan điểm hiện đại, các nguồn lực phát triển nên tập trung vào vốn, lao động, công nghệ, thể chế. Ngoài ra, mỗi nhóm giải pháp nên trình bày tương ứng với định hướng phát triển theo loại hình, không gian, thành phần kinh tế. Các giải pháp chiến lược cần tập trung vào 3 nhóm chính là hoàn thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo sự thuận lợi, minh bạch và công bằng cho các DN bán buôn, bán lẻ. Theo đó, con đường chiến lược để phát triển ngành bán buôn, bán lẻ theo định hướng tập trung hóa, tổ chức hóa, tiêu chuẩn hóa và xã hội hóa, nâng cao sức cạnh tranh của ngành trong điều kiện hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.
Tại hội thảo, một số chuyên gia đề xuất, việc hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất tới phân phối là yếu tố quan trọng, không chỉ giúp ổn định thị trường mà còn có thể kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm. Muốn làm được điều này, thay vì đầu tư dàn trải, Nhà nước nên khuyến khích, đầu tư cho DN hạt nhân đứng ra làm trung tâm cung ứng vật tư - sản xuất - phân phối. Cùng với đó, cần liên kết các hộ kinh doanh, bán lẻ thành chuỗi cửa hàng tiện lợi mới có thể phát triển bền vững trong hội nhập.

Tin cùng chuyên mục