Phát triển năng lượng xanh, giảm thiểu khí thải nhà kính

Tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng xanh góp phần giảm thiểu lượng khí thải nhà kính ra môi trường đang là những giải pháp chiến lược được TPHCM đặc biệt quan tâm. 
Công trình xây dựng bằng các loại vật liệu xanh góp phần giảm phát thải khí nhà kính
Công trình xây dựng bằng các loại vật liệu xanh góp phần giảm phát thải khí nhà kính
TPHCM đang có tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa, công nghiệp nhanh nhất trong cả nước. Đồng thời, TPHCM cũng là trung tâm tiêu thụ điện năng và các loại năng lượng khác thuộc hàng cao nhất cả nước. Tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng xanh góp phần giảm thiểu lượng khí thải nhà kính ra môi trường đang là những giải pháp chiến lược được TPHCM đặc biệt quan tâm. 
Năm 2018, TPHCM đã triển khai các hạng mục quan trọng trong Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Đây là đề án được triển khai trong xu hướng phát triển đô thị thông minh đang tăng tốc nhanh bởi những tác động từ sự bùng nổ mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới. Sử dụng năng lượng thông minh (Smart Energy) cũng là một trong các trụ cột hướng tới đô thị thông minh, bao gồm các yếu tố sử dụng năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả… Hơn thế nữa, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng đối với một thành phố có địa hình thấp như TPHCM, thì định hướng phát triển thành phố thông minh cần phải bao gồm khả năng giải quyết các thách thức về môi trường; trong đó, giải pháp công nghệ về năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng. 
Theo Sở Công thương TPHCM, để phát triển năng lượng xanh, TPHCM đã ban hành kế hoạch về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, thành phố chú trọng vào các nhiệm vụ chính gồm tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường; phát triển và phổ biến các trang thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các cơ sở sản xuất và lĩnh vực phân phối điện năng;  trong các tòa nhà, trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, giao thông vận tải và chiếu sáng công cộng. 
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,11% so với cùng kỳ. Tình hình đầu tư của doanh nghiệp trong nước có chuyển biến tốt với tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 163.958 tỷ đồng, tăng 11,7%. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân thành phố có xu hướng tăng cao. Sản lượng điện tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm ước đạt 12,32 tỷ kWh, tăng 6,25%; sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho thành phố ước đạt 11,78 tỷ kWh, tăng 6,27%. Dự báo nhu cầu điện thương phẩm trong năm 2018 sẽ tăng lên 24,2 tỷ kWh. Vì vậy, nhu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang trở thành mục tiêu, xu hướng trong tất cả mọi thành phần kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng.
Ngoài giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm năng lượng  trong người dân, hàng năm TPHCM đều tổ chức triển lãm VIETNAM ETE và triển lãm ENERTEC EXPO để giới thiệu các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, năng lượng xanh để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận và lựa chọn sản phẩm công nghệ tốt nhất để thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Ông Nguyễn Phương Đông nhấn mạnh thêm, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và đẩy mạnh ứng dụng, phát triển các loại năng lượng mới, năng lượng tái tạo đã trở thành yêu cầu cấp thiết và là giải pháp có tầm quan trọng hàng đầu trong việc thực thi chiến lược phát triển năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới, hướng đến phát triển nhanh và bền vững. 

Tin cùng chuyên mục