Phát triển mô hình chợ đầu mối nông sản

Chợ đầu mối nông sản là kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối được sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), thúc đẩy không chỉ nông nghiệp mà thương mại và dịch vụ cũng phát triển.
Các loại rau củ quả được bày bán tại chợ đầu mối Hóc Môn, TPHCM
Các loại rau củ quả được bày bán tại chợ đầu mối Hóc Môn, TPHCM
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình hoạt động của các chợ đầu mối trên địa bàn cả nước.
Không kiểm soát được chất lượng 
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tính đến cuối năm 2016, cả nước có 8.513 chợ; trong đó, chợ nông thôn chiếm 76%, thị phần hàng hóa lưu thông qua chợ nông thôn chiếm từ 50% -70%, cao hơn mức lưu thông qua chợ bình quân cả nước từ 35% - 40%. Có 94 chợ đầu mối bán buôn trên địa bàn cả nước (chiếm 1,1%). Các địa phương hiện có số lượng chợ đầu mối nhiều nhất là Thanh Hóa 11 chợ; Quảng Bình 11 chợ; Hà Nội 7 chợ; Đồng Tháp 6 chợ; Hưng Yên 4 chợ; TPHCM 3 chợ… Các mặt hàng bày bán tại chợ đầu mối chủ yếu là hàng thủy hải sản tươi sống, rau củ quả, lương thực…
Đánh giá về hoạt động của các chợ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, cho biết mạng lưới chợ nông sản tuy có một số mô hình bước đầu phát triển khá tốt nhưng thực tế còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành nông nghiệp. Hệ thống cơ chế, chính sách để hỗ trợ thúc đẩy phát triển chợ đầu mối còn thiếu; nhất là cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư và quản lý theo hình thức xã hội hóa.
Ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cũng cho rằng các mặt hàng được bày bán tại nhiều chợ đầu mối tuy đa dạng, song hầu hết không rõ nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt là các mặt hàng rau, quả, gia súc, gia cầm. Chủ yếu do thương lái gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc từ trang trại. Việc mua bán mang tính chất cổ điển, không có hợp đồng cũng chứng nhận xuất xứ hàng hóa. 
Đi vào thực tế, ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho hay trên địa bàn Hà Nội có 2 chợ (trong tổng số 7 chợ) là chợ đầu mối Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam nhưng do quy mô nhỏ nên chưa đảm nhận được chức năng vốn có. Tổng lượng hàng hóa lưu thông qua 2 chợ đầu mối trên để phân phối cho thị trường Hà Nội chiếm chưa đến 30%. Trong khi đó, tình trạng hoạt động tự phát của các điểm tập kết hàng hóa xung quanh khu vực chợ ngày càng phức tạp. Việc kiểm soát về chất lượng vệ sinh ATTP còn nhiều bất cập. Một lượng không nhỏ hàng hóa kinh doanh tại chợ được các hộ dân tự sản xuất và mang đến chợ để bán, gây khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc trong trường hợp cần thiết…
Ông Florian de Saint Vincent, Giám đốc các dự án quốc tế thuộc Công ty Rungis International, nhìn nhận thách thức lớn nhất, đó là việc sử dụng các đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học nhập khẩu bất hợp pháp. Trong khi đó khâu quản lý kém, thiếu khả năng truy nguyên nguồn gốc sản phẩm và nhiễm chéo là những yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo ATTP. 
Gắn quy hoạch các vùng sản xuất với chợ đầu mối
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển, vai trò của chợ đầu mối trong lưu thông hàng hóa, chuyên gia hàng đầu của chợ quốc tế Rungis, ông Florian de Saint Vincent, cho biết chợ đầu mối Rungis (Pháp) hiện có tổng doanh thu hơn 12 tỷ Euro/năm, chiếm 30% tất cả các loại rau, quả bán tại Pháp; có hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động tại chợ. Vai trò của chợ đầu mối là nguồn cung cấp thay thế cho các nhà bán lẻ độc lập, là thị trường giao dịch trực tiếp, nơi người bán và người mua tại cùng một địa điểm, giá cả được công bố minh bạch hàng ngày. Chợ đầu mối cũng chính là nơi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đảm bảo ATTP. 
Liên quan đến định hướng phát triển các chợ đầu mối tại Việt Nam, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng vai trò của các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, hợp tác xã trong việc hình thành, quản lý chợ đầu mối là rất quan trọng. Trong quá trình xây dựng còn nhiều khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng cũng như cách khai thác kinh doanh, quản lý vấn đề vệ sinh ATTP. Hiện Bộ NN-PTNT đang phối hợp với Bộ Công thương xây dựng đề án, hình thành cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống chợ đầu mối. 
Theo ông Nguyễn Văn Hội, đối với các tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách còn khó khăn, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa có nhu cầu bức xúc về chợ nhưng không có khả năng huy động vốn của các nhà đầu tư để đầu tư phát triển chợ thì Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản. Đồng thời, đề nghị Bộ KH-ĐT khi giao vốn đầu tư phát triển (thuộc ngân sách Nhà nước) hàng năm cho các địa phương, cần tách nguồn vốn đầu tư phát triển chợ thành mục riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tỉnh đầu tư xây dựng chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản.
Đối với vấn đề ATTP, có khá nhiều ý kiến cho rằng, các bộ ngành chức năng sớm ban hành tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm; hệ thống văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục kiểm tra, giám sát ATTP tại chợ; văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục truy suất nguồn gốc và xử lý nông sản không đạt chuẩn kinh doanh tại chợ đầu mối. Cần tăng cường phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết người sản xuất với các chuỗi bán lẻ lớn; đảm bảo cân đối cung cầu, có thể truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh ATTP theo chuỗi. Đồng thời, tăng cường quản lý thị trường, kiểm soát giá thành và giá bán các sản phẩm nông sản, giảm chi phí trung gian. 
Từ kinh nghiệm xây dựng và quản lý chợ đầu mối Rungis lớn nhất ở Pháp, nhiều ý kiến cho rằng cần quy hoạch các vùng sản xuất nông sản an toàn tập trung, gắn liền với quy hoạch các chợ đầu mối, chợ tổng hợp, chuyên doanh nông sản an toàn. Tại các chợ nên dành riêng khu tập kết cho nông sản đã có chứng nhận an toàn, hoặc đã được quản lý theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục